Trả lại bình yên cho bản làng

19/06/2020 11:24

Trong nhiều năm, tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng được xác định là địa bàn đặc biệt phức tạp về hoạt động vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, tình hình hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới Mộc Châu, Vân Hồ đã được kiểm soát. * Quyết tâm ‘chặn dòng’ ma túy vào nội địa *

Một nhóm vũ trang hoạt động trong đêm tại biên giới được bộ đội biên phòng ghi lại

Điểm nóng vùng cao

Sơn La có đến 250km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Luông Pha Băng và Hủa Phăn của Lào. Đây được xác định là điểm nóng về ma túy do nằm gần khu vực "Tam giác vàng", một trong ba khu vực trọng điểm sản xuất, buôn bán ma túy lớn nhất của thế giới.

Với địa hình núi cao hiểm trở, lại được bao bọc bởi những cánh rừng già là điều kiện thuận lợi để Mộc Châu, Vân Hồ trở thành vùng đất "vàng" cho các đối tượng vận chuyển ma túy.

Các đối tượng (đa phần là người dân tộc Mông) móc nối, liên kết tạo thành đường dây khép kín mua bán heroin từ các tỉnh biên giới Việt-Lào vào các tỉnh nội địa, rồi đưa đi các tỉnh hoặc vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.

Các đối tượng được phân công, tổ chức "chuyên nghiệp" thành toán từ 3 đến thậm chí gần 20 người với nhiệm vụ rõ ràng: gùi hàng, hoa tiêu dẫn đường, người chặn hậu... Đặc biệt, tất cả các đối tượng đều mang theo vũ khí nóng như súng AK, CKC, Các-bin, súng ngắn K54, K59, lựu đạn… sẵn sàng nổ súng vào lực lượng truy bắt.

Từ chân các bản làng, có thể thấy những lối mòn như những sợi chỉ luồn sâu vào trong rừng thẳm. Và cũng từ những lối mòn ấy, hàng đêm ma túy “chảy” về Việt Nam.

Giá bán mỗi bánh heroin tại vùng giáp biên vào khoảng 160 triệu đồng; nếu trót lọt ra khỏi Vân Hồ là 180-185 triệu đồng, còn nếu đưa về Hà Nội hoặc Quảng Ninh có thể lên tới 240-275 triệu đồng/bánh.

Lợi nhuận cao, là động cơ chính để các đối tượng “làm liều”. Chúng đi qua các bản làng rất ngang nhiên, chỉ cần ai có cử chỉ bất thường là chúng nổ súng, đốt nhà ngay.

Nhiều người dân ở đây nói rằng việc vận chuyển ma túy chẳng khó hơn việc làm nương. Trong khi đó thu nhập lại cao, bởi vậy mà nhiều người đã bỏ nương, rẫy đi theo con đường phi pháp là vận chuyển và mua bán ma túy.

Chính vì thế, trong nhiều năm, cuộc chiến với tội phạm ma túy có vũ trang buôn bán ma túy tại Sơn La luôn cực kỳ căng thẳng.

Sát cánh chặn dòng ma túy ở đường biên

"Đó là chuyện từ năm 2017 về trước, trước khi Bộ Công an tấn công vào sào huyệt ma túy đặc biệt phức tạp tại Lũng Xá, Tà Dê (xã Lóng Luông). Hiện tại, vùng đất này đang chuyển mình, an ninh trật tự dần ổn định, đời sống người dân từng bước được nâng cao", Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sơn La chia sẻ với chúng tôi.

Hai năm trở lại đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an và Biên phòng Sơn La đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nên hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới Mộc Châu, Vân Hồ đã được kiểm soát.

Theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, đại bộ phận nhân dân khu vực này đã tích cực tham gia đấu tranh tố, phát giác tội phạm, không nghe theo kẻ xấu và tiếp tay cho tội phạm vi phạm các tệ nạn xã hội. Nhiều hộ gia đình đã và đang tập trung phát triển kinh tế bằng các mô hình trang trại, chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt là thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Hàng trăm hecta mận, đào, chanh leo, bơ, bưởi... bước đầu đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Công an và BĐBP tỉnh Sơn La được tiến hành rất hiệu quả. Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều kế hoạch, trong đó có Phương án 279 đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Hai lực lượng cũng phối hợp mở nhiều đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào; đặc biệt là hai phòng chức năng: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Sơn La) và Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng Sơn La) đã thường xuyên trao đổi thông tin về các đối tượng nghi vấn...

Đặc biệt, sau khi Công an Sơn La đấu tranh thành công hai chuyên án tiêu diệt hai trùm ma túy nguy hiểm đó là Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Thanh Tuân, Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với lực lượng Biên phòng Sơn La xây dựng kế hoạch điều tra, nắm tình hình về tội phạm ma túy trên toàn tuyến, nhằm đánh giá lại hoạt động của tội phạm ma túy có vũ trang. Tổ chức nắm tình hình, hoạt động của các toán, nhóm đối tượng có vũ trang vận chuyển trái phép chất ma túy từ bên kia biên giới vào địa bàn để xây dựng phương án đấu tranh, triệt xóa; tuyên truyền vận động nhân dân ở khu vực biên giới để họ nhận thức tác hại của ma túy.

Thực tế, hàng loạt chuyên án ma tuý lớn đã được các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới Sơn La phối hợp bóc gỡ thành công, hạ nhiệt được một số điểm nóng.

Như gần đây, ngày 10/3/2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Sơn La) phối hợp với phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh Sơn La) đã phá thành công Chuyên án SL320 bắt giữ đối tượng Sông Bả Pó, sinh năm 1967, trú tại bản Huổi Hin, xã Mường Hung (Sông Mã) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy; tang vật thu giữ 10 bánh heroin, khoảng 7 kg nhựa thuốc phiện.

Trước đó, ngày 8/3/2020, tại bản Hin Pén, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu), hai lực lượng Công an và Biên phòng đã phối hợp đấu tranh thành công Chuyên án A1-220, bắt quả tang 2 đối tượng là Thào A Ca, sinh năm 1960 và Thào A Vi, sinh năm 1999, cùng trú tại bản Pưng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 13.524 viên ma túy tổng hợp.

Theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, qua quá trình tiến hành các biện pháp công tác nghiệp vụ và tổ chức tuần tra, kiểm soát biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La chưa phát hiện thấy các hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới nhưng đã phát hiện một số dấu vết qua lại biên giới nghi vấn là hoạt động của các đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang từ bản Pưng, khu vực cụm bản Pa Háng - Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) qua biên giới sườn Nam điểm cao 1549 Pha Luông về bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ. Do đó, hoạt động vận chuyển có vũ trang qua biên giới Mộc Châu, Vân Hồ đang tiềm ẩn nguy cơ hoạt động trở lại.

Chính vì vậy, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an và Bộ đội Biên phòng Sơn La, tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ thì nguy cơ các đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới sẽ hoạt động trở lại trên địa bàn này.

Công an huyện Mộc Châu tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống ma túy tại xã Chiềng Sơn

Không để hình thành điểm nóng, phức tạp trở lại

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hàn Văn Hoan, Trưởng Công an huyện Mộc Châu cho biết, trong những năm qua, số vụ, số đối tượng phạm tội về ma túy do lực lượng Công an huyện Mộc Châu phát hiện và bắt giữ, xử lý rất nhiều, luôn đứng đầu trong cả nước. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, Công an huyện Mộc Châu đã phát hiện bắt giữ, xử lý 838 vụ, 1.423 đối tượng, triệt xóa 228 điểm bán lẻ ma túy; bắt 22 đối tượng truy nã. Thu giữ 55,9 kg heroin, hơn 300.000 viên ma túy tổng hợp, 10,2 kg ma túy đá, 3,6 kg thuốc phiện; nhiều súng quân dụng cùng nhiều vật chứng liên quan.

Từ hai năm nay, Công an Sơn La đã duy trì tổ công tác dân quân tự vệ và cảnh sát khu vực nắm bắt tình hình an ninh trật tự; tăng cường công an chính quy cho các xã qua đó giúp nắm được các đối tượng có biểu hiện bất minh liên quan đến ma túy, từ đó xác minh thông tin nghi vấn, lập án đấu tranh.

Đặc biệt, Công an huyện Mộc Châu đã và đang chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Trong đó sử dụng thiết bị bay không người lái để thu thập dữ liệu hình ảnh, dựng sơ đồ, bản đồ phục vụ công tác điều tra cơ bản, đấu tranh phòng chống tội phạm với các thông tin về địa bàn, đối tượng, cung đường đi… Đồng thời, xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống phần mềm quản lý đối tượng liên quan đến vi phạm pháp luật và thuộc diện quản lý của cơ quan công an với đầy đủ thông tin về lý lịch, quá trình hoạt động, tiền án, tiền sự…

Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020, lực lượng Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các chốt chặn trên biên giới vừa tham gia phòng, chống dịch kết hợp nắm tình hình, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm. Do đó, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy đã giảm so với 6 tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, do nguồn "cung" khan hiếm nhưng nguồn "cầu" tăng mạnh nên các đối tượng vẫn thường xuyên tìm cách móc nối, giữ liên lạc với nhau để chờ thời cơ mua bán, vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới vào nội địa tiêu thụ; hoạt động mua bán ma túy nhỏ lẻ để sử dụng hoặc bán lẻ giữa các đối tượng ở nội địa với các đối tượng ở khu vực biên giới vẫn diễn biến phức tạp.

Hơn nữa tại địa bàn các tỉnh Tây Bắc, vẫn còn nhiều đối tượng ma túy bị truy nã tụ tập về có trang bị và sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi triển khai lực lượng làm nhiệm vụ.

Vì vậy, để không hình thành “điểm nóng”, phức tạp trở lại, theo Trung tá Hàn Văn Hoan, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng, đơn vị chức năng trong và ngoài nước để triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, bóc gỡ, triệt xoá các đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển ma tuý ở khu vực biên giới. Tiếp tục lập các kế hoạch để tập trung giải quyết công tác vận động, truy bắt đối tượng truy nã về ma túy đang lẩn trốn trên địa bàn khu vực biên giới Sơn La.

Đặc biệt, đối với những địa bàn trọng điểm, “điểm nóng” về tội phạm ma túy, cần có giải pháp phát triển kinh tế, xã hội như: Làm đường giao thông, xây dựng những công trình an sinh xã hội, đưa cán bộ vào công tác, tạo điều kiện để nhân dân vùng ngoài vào giao lưu, buôn bán, tiếp xúc để phá vỡ thế độc đạo, cô lập tại những địa bàn này, làm giảm các điều kiện để tội phạm ma túy lợi dụng để hoạt động.

* Bài 4: Chiến công, máu và nước mắt

Top