Quyết tâm ‘chặn dòng’ ma túy vào nội địa

02/06/2020 18:34

Chưa bao giờ ý đồ biến Việt Nam thành điểm trung chuyển của các đường dây tội phạm quốc tế lại rõ như hiện nay và việc "chặn dòng” ma túy của lực lượng chức năng càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.

Công an Quảng Bình bắt giữ 2 đối tượng cùng hơn 300 kg ma túy đá trên xe bán tải vào chiều 14/3/2020

Ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Trong đó, đề ra mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Tiếp đó, ngày 21/2/2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào nội địa; triệt phá, bóc gỡ triệt để các đường dây tội phạm ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy.

Trong cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt này, lực lượng Công an nhân dân phát huy vai trò chủ công, nòng cốt với mục tiêu kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Những kỷ lục liên tiếp bị xô đổ

Nếu như những năm trước đây, vật chứng thu giữ được trong các chuyên án chỉ vài bánh heroin, vài chục, thậm chí vài trăm viên ma túy tổng hợp thì từ đầu năm 2019 đến nay, vật chứng thu giữ được tính bằng tạ, bằng tấn, đủ thấy mức độ liều lĩnh, manh động của loại tội phạm này.

Trước đây, những vụ án thu giữ tang vật lớn chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc, còn hiện tại nó trải rộng ra khắp nước. Đặc biệt là sau khi lực lượng công an triệt phá sào huyệt ma túy ở Lóng Luông (Sơn La) thì lực lượng chức năng liên tục thu giữ những tạ, những tấn ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, TPHCM…

Năm 2019, kỷ lục về lượng chất cấm thu giữ liên tiếp bị xô đổ. Sau vụ thu giữ hơn 6 tạ ma túy đá tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn: Gần 900 bánh heroin, nửa tấn ketamin ở TPHCM; 0,7 tấn ma túy đá ở Nghệ An…

Không những ma túy “khủng” thành phẩm bị bắt giữ trên đường mà nhiều “công xưởng” cũng bị phát hiện. Điển hình như vào tháng 8/2019, tại một nhà xưởng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đồng An Viên ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà (Kon Tum), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị triệt phá xưởng sản xuất ma túy tổng hợp do người nước ngoài cầm đầu. Theo đánh giá bước đầu, với lượng tiền chất hóa chất thu giữ được, “công xưởng” có thể cho ra lò hơn 1 tấn ma túy tổng hợp. Đây được đánh giá là đường dây sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay bị ngăn chặn.

Bước sang năm 2020, cùng với những diễn biến nguy hiểm của dịch Covid-19, tình hình tội phạm ma túy không những không giảm mà còn có xu hướng tăng. Trong tháng 3, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phá đường dây mua bán, vận chuyển 446 kg ma tuý đá. Tiếp đó, tháng 4, Công an tỉnh Quảng Bình cũng bắt giữ 4 đối tượng, quyết định truy nã toàn quốc 01 đối tượng, thu giữ hơn 300 kg ma túy đá…

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số đối tượng bị phát hiện bắt giữ trong quý I/2020 tăng lần lượt 13,72% số vụ, 2,96% số đối tượng so với cùng kỳ năm 2019; thậm chí còn tăng mạnh (tăng 53,9% số vụ, 75,79% đối tượng) so với Quý IV/2019.

Điều đó cho thấy, các đường dây tội phạm quốc tế đang “quyết” đưa ma túy vào Việt Nam để đi các quốc gia khác, bằng mọi thủ đoạn và phương thức tinh vi. Theo nhận định của cơ quan chức năng, ma tuý chủ yếu từ Tam Giác Vàng được đưa đến Lào, sau đó vượt biên giới vào Việt Nam. "Hàng" sau khi được tập kết ở Việt Nam sẽ chia một số lượng nhỏ tiêu thụ trong nước; còn lại phần lớn sẽ xuất đi các nước khác trên thế giới.

Tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam ngày càng tăng được các cơ quan chức năng lý giải là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), hoạt động sản xuất, mua bán ma túy ở Đông Nam Á, nhất là khu Tam Giác Vàng, đang gia tăng, ảnh hưởng đến Việt Nam. Năm 2019, lượng ma túy tổng hợp dạng tinh thể bị thu giữ vượt tổng lượng ma tuý trong 5 năm trước đó. Điều đó cho thấy tình trạng mua bán ma túy tổng hợp nhắm tới Việt Nam tăng mạnh kể từ cuối năm 2018.

Còn Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, tội phạm ma túy quốc tế chọn Việt Nam vì đường biên giới dài, nhiều cảng biển, giao thông kết nối nhanh với các nước. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ trong những đường dây buôn ma tuý "cực khủng xuyên thế giới".

Tại Lạng Sơn, lực lượng chức năng thu giữ 446 kg ma túy tổng hợp trong một chuyên án vào tháng 3/2020

Ngăn chặn "vòi bạch tuộc"

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đánh giá, hiện nay, tình hình ma túy diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến và trên nhiều địa bàn. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Lào là tuyến chịu tác động trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán trái phép ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” vào trong nước. Tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tăng mạnh, nhất là ma túy tổng hợp. Dọc tuyến biên giới còn tồn tại nhiều “điểm nóng” về ma túy.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ma túy chủ yếu là heroin được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc. Thời gian gần đây, do lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tăng cường phối hợp tuyên truyền, tấn công, trấn áp mạnh nên hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp từ Trung Quốc về Việt Nam có giảm so với trước nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nguy hiểm nhất là các đối tượng người Trung Quốc chuyển vốn, nhân lực, kỹ thuật sang các nước khác trong đó có Việt Nam để sản xuất ma túy.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, gia tăng hoạt động mua bán ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Thái Lan, Lào, Campuchia vào Việt Nam; một số đường dây tội phạm từ khu vực Bắc Mỹ, Châu Phi quá cảnh Campuchia về Việt Nam, đưa đi các tỉnh phía Bắc và sang Trung Quốc tiêu thụ.

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua tuyến đường hàng không vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong khi đó, tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba; trọng điểm là các cảng biển tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng Internet để mua bán trái phép chất ma túy.

Trước diễn biến phức tạp, những dấu hiệu "biến” Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy, các lực lượng như Công an, Hải quan, Biên phòng đã thể hiện rõ quyết tâm ngăn chặn vòi bạch tuộc ma túy dù trực tiếp đổ vào Việt Nam để tiêu thụ hay trung chuyển đi nước khác; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và đánh chặn tội phạm này từ xa.

Năm 2019, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 23.000 vụ, với hơn 36.000 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ hơn 1.222 kg heroin; 6.253 kg 1.053.099 viên ma túy tổng hợp, hơn 614 kg thuốc phiện và 768 kg cần sa. Đáng lưu ý là số lượng ma túy tổng hợp tăng đột biến, cao hơn gấp 5 lần so với năm 2018, là năm thu giữ lượng ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng lớn nhất từ trước đến nay.

5 tháng đầu năm 2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 9.038 vụ, bắt giữ 12.620 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ hơn 181 kg heroin; gần 1,5 tấn và 783 nghìn viên MTTH; hơn 113 kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, những vụ bắt giữ hàng tạ, tấn ma túy là thành tích đáng ghi nhận của lực lượng chức năng nhưng chưa hẳn là "niềm vui sớm" bởi đó cũng là điểm để chúng ta nhìn nhận lại công tác phòng chống tội phạm ma túy.

“Không thể để tội phạm mang hàng tạ, hàng tấn ma túy vào Việt Nam rồi chúng ta mới đánh bắt mà phải chặn đứng từ xa. Chúng ta phải dành được thế chủ động với tội phạm ma túy, làm sao để phòng chống ma túy đạt hiệu quả như phòng chống Covid-19 vừa qua”, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, thời gian tới đây, phải đạt mục tiêu, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trọng điểm của tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế; kịp thời ngăn chặn nguồn cung ma túy từ xa.

* Bài 2: Điểm nóng trung chuyển ma túy

Top