'Trúng', 'đúng' các bước đi trong triển khai Luật Phòng chống ma tuý

20/01/2023 08:27

(Chinhphu.vn) - Với những bước đi chủ động, đổi mới, đa dạng hóa nội dung và hình thức của nhiều địa phương, sau 01 năm triển khai, Luật Phòng chống ma túy 2021 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả rõ nét, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa xã hội và đấu tranh phòng chống ma túy.

'Trúng', 'đúng' các bước đi trong triển khai Luật Phòng chống ma tuý - Ảnh 1.

Công an Hà Nội tuyên truyền phòng, chống ma túy và cấp phát tờ rơi song ngữ - Ảnh: CAHN

Nhiều sáng kiến đưa Luật Phòng chống ma túy vào cuộc sống

Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Luật Phòng, chống ma túy 2021 được kỳ vọng mở ra một giai đoạn mới nâng tầm hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy, khơi thông các "điểm nghẽn" giúp nâng cao hiệu lực quản lý, tuyên truyền, đấu tranh và phòng chống ma túy.

Tại Hà Nội, nhận thức được tầm quan trọng của Luật Phòng chống ma túy 2021, Công an Hà Nội xác định công tác triển khai mạnh mẽ với phương pháp đổi mới, sáng tạo, phù hợp thực tiễn địa bàn Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong năm 2022.

Nhờ đó, Luật Phòng chống ma tuý thật sự đã lan toả mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân Thủ đô và trong toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng nâng tầm nhận thức của công dân Thủ đô về tác hại của ma tuý cũng như việc gắn rõ trách nhiệm cá nhân, gia đình và các ban ngành đoàn thể trong công cuộc phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội, ngay thời điểm Luật được Quốc hội thông qua, Công an TP. Hà Nội đã chủ động thực hiện công tác chuẩn bị làm tiền đề thi hành Luật đạt hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, trước khi Luật có hiệu lực 1 tháng, Công an Thành phố đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác quản lý người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý nhằm phát huy sự vào cuộc của các cấp các ngành trong thực hiện tổng rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đưa vào quản lý, bảo đảm đúng tiêu chí của Luật Phòng chống ma túy 2021.

Đây chính là biện pháp phòng ngừa xã hội quan trọng, góp phần không nhỏ vào mục tiêu giảm 5% phạm pháp hình sự bởi trên thực tế, người nghiện ma tuý luôn là nguồn phát sinh của các loại tội phạm hình sự.

Công an Hà Nội cũng được ghi nhận là đơn vị đi đầu trong Công an toàn quốc chủ động tham mưu, tổ chức tập huấn Luật Phòng chống ma túy 2021 và các nghị định hướng dẫn thi hành trước thời điểm Luật có hiệu lực.

Hội nghị tập huấn đã trực tiếp truyền đạt cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác ma túy từ các phòng nghiệp vụ đến gần 1.300 cán bộ chiến sỹ thuộc Công an 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn; kịp thời quán triệt, triển khai nghiêm túc, đảm bảo việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi về Luật Phòng chống ma túy 2021.

Bên cạnh đó, Công an Hà Nội đã nghiên cứu, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan công tác quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy, kịp thời định hướng công tác triển khai thi hành Luật bao gồm: Quy trình quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Quy trình áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Quy trình quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

Ngoài ra, Công an TP. Hà Nội đã chủ động nghiên cứu và báo cáo đề xuất đề lãnh đạo Bộ Công an đưa vào thống kê, quản lý đối với "người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma tuý" và "người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma tuý" nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn Hà Nội.

Đồng thời đa dạng hóa phương thức và phương tiện tuyên truyền như: Tăng cường sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ 4.0 để tuyên truyền, đăng tải Luật Phòng chống ma tuý trên trang Facebook "Công an thành phố Hà Nội"; tổ chức các cuộc thi Tìm hiểu Luật phòng, chống ma túy; nghiên cứu in, cấp phát tờ rơi song ngữ Việt - Anh tuyên truyền Luật phòng chống ma túy tại Cửa khẩu hàng không Sân bay Quốc tế Nội Bài, các địa bàn có nhiều người nước ngoài cư trú; tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; tuyên truyền phòng chống ma tuý học đường...

'Trúng', 'đúng' các bước đi trong triển khai Luật Phòng chống ma tuý - Ảnh 2.

Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền phòng chống ma túy cho người dân - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP. Hà Nội cho biết, bên cạnh những cách làm trên, để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong việc triển khai, thi hành luật, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu Ban Giám đốc Công an TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động phối hợp với các sở, ngành khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tình trạng nghiện do chậm công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và tập huấn cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế để bảo đảm đủ thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy.

Sau gần một năm triển khai thực hiện Luật, người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn Thủ đô đã được tổ quản lý gồm đa dạng các thành viên như: Công an cơ sở, đại diện gia đình, đại diện tổ chức đoàn thể...kịp thời tư vấn, động viên, hỗ trợ, giáo dục, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và xã hội.

Với việc đổi mới triển khai Luật Phòng chống ma tuý năm 2021, công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma tuý đã đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả rõ nét. Nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và dông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma tuý và trách nhiệm của mỗi cơ quan tổ chức, cá nhân được nâng lên. Công an TP. Hà Nội đã huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và đông đảo quần chúng nhân dân, tạo sức mạnh phòng ngừa xã hội sâu rộng trong cuộc chiến "nói không với ma tuý".

Trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ, hiệu lực, hiệu quả nổi bật của công tác đổi mới triển khai Luật Phòng chống ma tuý là đã tổng hợp, phân tích, đánh giá được toàn bộ dữ liệu của người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuy đã và đang có biểu hiện vi phạm pháp luật... Qua đó, đã chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý gần 3.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý đang được áp dụng quản lý nghiệp vụ (chiếm 17%).

Đặc biệt, trên cơ sở Luật phòng chống ma tuý mới, Công an TP. Hà Nội đã tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách và đưa vào quản lý, sớm cách ly ra khỏi xã hội, phòng ngừa trọng án, không để xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật do đối tượng "ngáo đá" gây ra.

Với những kết quả này, có thể nói, Công an TP. Hà Nội đã xác định "trúng", "đúng" các bước đi trong công tác triển khai Luật Phòng chống ma tuý, gắn với công tác phòng ngừa nghiệp vụ, trọng tâm là tập trung quản lý người nghiện ma tuý, góp phần mạnh mẽ giảm "đầu vào" của tội phạm, giảm phạm pháp hình sự.

'Trúng', 'đúng' các bước đi trong triển khai Luật Phòng chống ma tuý - Ảnh 3.

Diễu hành, ra quân hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tập trung rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy

Để làm tốt hơn nữa công tác thi hành Luật Phòng chống ma túy 2021 gắn với hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy, Công an TP. Hà Nội đề xuất Bộ Công an giao Công an một số tỉnh, thành phố triển khai thí điểm đưa diện "người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma tuý" và "người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy" vào thống kê, quản lý; thu thập thông tin, tài liệu tổ chức xét nghiệm đưa vào quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu hướng dẫn việc xác định tình trạng nghiện để tận dụng nguồn lực của y tế tại các cơ sở cai nghiện ma tuý công lập; sớm ban hành văn bản hướng dẫn kinh phí thực hiện xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, xác định tình trạng nghiện ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện...

Với vai trò "tư lệnh" của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho hay, trong thời gian tới Cục sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, trọng tâm là Nghị định số 105 ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống ma túy. Chỉ đạo Công an các địa phương làm tốt công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, thực hiện hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, tăng cường rà soát lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy theo tinh thần Công điện số 365 ngày 20/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phòng, chống ma túy, phát huy hiệu quả Đề án số 06 của Chính phủ...

Hoàng Giang

Top