TPHCM: Đẩy mạnh các ứng dụng can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS hiệu quả

06/07/2022 08:56

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, TPHCM luôn là địa phương tiên phong việc triển khai, ứng dụng các can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả.

TPHCM: Đẩy mạnh các ứng dụng can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS hiệu quả - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân. Ảnh VGP/Thùy Chi

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, ước tính có khoảng 55.000 người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố, chiếm khoảng 24% số người nhiễm HIV trên cả nước. 

Đến hết tháng 3/2022, TPHCM có hơn 43.000 bệnh nhân HIV đang được điều trị ARV tại hơn 40 cơ sở y tế công, tư trên địa bàn, trong đó có 92% bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Kết quả xét nghiệm tải lượng virus HIV cho thấy, 98% đang điều trị ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được thực hiện tại 33 cơ sở, trong đó có 8 cơ sở y tế tư. Tính đến tháng 3/2022 đã có 11.686 khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần, trong đó 4.507 khách hàng lần đầu sử dụng PrEP.

Ngoài ra, bệnh nhân điều trị HIV còn nhận được các dịch vụ y tế khác như điều trị viêm ban C, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm, bệnh lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, sức khỏe tâm thần ...

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, các dự án tiếp cận cung cấp kiến thức liên quan HIV khoảng trên 34.000 lượt khách hàng có nguy cơ, tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí cho khoảng trên 44.900 lượt khách hàng. Thông qua các dự án, số khách hàng dương tính mới được phát hiện gần 2.300 người, trong đó 96% được kết nối thành công vào điều trị ARV. Số khách hàng có kết quả xét nghiệm HIV âm tính được kết nối qua dịch vụ dự phòng cũng đạt kết quả cao.

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, TPHCM luôn là địa phương tiên phong việc triển khai, ứng dụng các can thiệp, mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả. Một số can thiệp được tiên phong thí điểm và nhân rộng thành công như: Xét nghiệm người phơi nhiễm, tiếp cận tìm ca qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, dịch vụ dự phòng PrEP, xét nghiệm HIV tại cộng đồng, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm, mô hình "Một điểm đến - Đa dịch vụ" - O.S.S...

Nhờ chủ động và sáng tạo trong các mô hình can thiệp phòng chống HIV/AIDS, địa phương đã giữ bền vững được các kết quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chương trình phòng chống HVI/AIDS đã giúp bệnh nhân điều trị ARV, PrEP và methadone được duy trì điều trị liên tục thông qua các hình thức cấp phát thuốc khác nhau.

Ngoài các kết quả trên, TPHCM vẫn còn nhiều thách thức như: Độ bao phủ xét nghiệm tải lượng virus HIV thấp, việc tiếp cận nhóm nguy cơ cao vẫn còn thấp, số người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có chiều hướng gia tăng.

Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, thách thức, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết sẽ chú trọng các hoạt động: Đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV nhằm phát hiện người nhiễm mới; tư vấn người phơi nhiễm HIV và kết nối các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS; triển khai thực hiện kiểm soát chuỗi lây truyền HIV; mở rộng độ bao phủ các mô hình cung cấp PrEP như Tele PrEP điều trị từ xa; nâng cao năng lực hệ thống; củng cố, phát triển hệ thống theo dõi đánh giá…

Ngoài ra, để tiến đến kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, TPHCM đưa ra chiến lược: Tiếp tục mở rộng điều trị dự phòng và điều trị ARV; tăng cường phát hiện ca nhiễm mới; liên kết vùng; kiểm soát chuỗi lây nhiễm HIV cấp (thực hiện truy vết bạn tình, bạn chích người mới nhiễm HIV).

Thùy Chi

Top