Thực thi việc đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

16/06/2014 17:37

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, từ ngày 1/1/2014, việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải do Tòa án nhân dân (TAND) quyết định, nhưng từ đầu năm đến nay, việc áp dụng biện pháp này vẫn chưa được các toà án địa phương thực hiện.

Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, đại diện TAND Tối cao cho biết, để triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính, TAND Tối cao đã xây dựng và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Pháp lệnh đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào ngày 20/01/2014.

Ảnh minh hoạ

Pháp lệnh đã quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng.

Pháp lệnh tăng cường tính công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phù hợp với Hiến pháp và các yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo Pháp lệnh, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là TAND cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ sở.

Sau khi pháp lệnh được ban hành, TAND Tối cao cũng đã xây dựng và ban hành các biểu mẫu để hướng dẫn các toà án địa phương thực hiện. Theo đại diện TAND Tối cao, đến thời điểm này, các toà án địa phương đã có thể thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Liên quan đến việc đề xuất thành lập toà án ma tuý, trong quá trình xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), cùng với việc nghiên cứu hoàn thiện hệ thống toà án các cấp, Chánh án TAND Tối cao cũng chỉ đạo nghiên cứu xem xét thành lập một số toà án ma tuý mang tính chất chuyên biệt.

Cũng theo Dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi), một trong những chức năng, nhiệm vụ của TAND là quyết định, giám sát việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, người nghiện ma tuý trong quá trình giáo dục, cải tạo, chữa bệnh và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, người chưa thành niên, người khuyết tật và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội khi Toà án giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Trên thế giới, tòa ma túy là tòa xử đặc biệt trong hệ thống tòa án để hỗ trợ  điều trị người nghiện ma túy và cho họ các công cụ để thay đổi cuộc đời.

Tòa án ma túy còn được gọi là tòa giải quyết vấn đề, được vận hành theo mô  hình đặc biệt mà ở đó thẩm phán, công tố  viên, luật sư bào chữa, cán bộ quản thúc, cán bộ hành pháp, nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần, cán bộ xã hội và cán bộ điều trị cùng làm việc với nhau để giúp đỡ những đối tượng phạm tội phi bạo lực (như tàng trữ ma túy bất hợp pháp, trộm cắp, lừa đảo) do tác động của việc lạm dụng ma túy để họ được điều trị, phục hồi và trở thành những công dân có ích.

Tòa ma túy đầu tiên được ra đời ở Miami, Florida, Hoa Kỳ vào năm 1989 để đối phó với tình hình sử dụng cocain gia tăng của thành thị. Vào thời điểm đó, tòa án và nhà tù bị quá tải, như điểm dừng chân tạm thời cho những người nghiện mà sau đó họ lại bị bắt giữ vì tái phạm các tội mới liên quan đến ma túy.


 

Top