Tạo điều kiện để tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng phát triển bền vững

22/12/2016 15:16

Các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng đã góp phần không nhỏ thực hiện công tác an sinh xã hội, trợ giúp người yếu thế và là kênh truyền thông hiệu quả giữa nhà nước với người dân. Tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, nhóm các tổ chức xã hội đang phải đối diện với nhiều thách thức tồn tại, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt nguồn lực tài chính để hoạt động.

Ngày 22/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) phối hợp với Viện Kinh tế và Chính sách (Vepr) tổ chức hội thảo “Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng dưới góc độ tài chính”.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thùy Chi

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế - đại diện nhóm nghiên cứu của Vepr cho biết, hiện cả nước có hơn 43.000 hội, hiệp hội không hưởng ngân sách, hơn 2.000 tổ chức phi chính phủ (NGOs) và hàng trăm nghìn tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBOs).

Trước tình trạng hiện nay, các tổ chức xã hội phải đối diện với nhiều thách thức tồn tại, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt nguồn lực tài chính để hoạt động, nên Vepr đã phối hợp với Ban quản lý Dự án Quỹ Toàn cầu thành phần Vusta thực hiện nghiên cứu “Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội dưới góc độ tài chính”. 

Nghiên cứu của Vepr được thực hiện từ tháng 5/2016 đến tháng 12/2016 với cuộc khảo sát tại 5 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Sóc Trăng, Thừa-Thiên Huế và Điện Biên). Nghiên cứu tập hợp 4 chuyên đề liên kết, bao gồm: Nguồn gốc hình thành và thách thức của các tổ chức xã hội ở Việt Nam; nhận diện một số vấn đề pháp lý tác động đến nguồn lực tài chính cho các tổ chức xã hội; cơ cấu nguồn lực và hiệu quả thu hút nguồn lực của các tổ chức xã hội; bức tranh hoạt động của các doanh nghiệp phi lợi nhuận trong tương quan với một số quốc gia khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ngoài các rào cản liên quan đến pháp lý và tài chính, các tổ chức xã hội đang gặp phải những rào cản liên quan đến môi trường hoạt động. Trong đó, đáng nói nhất là thái độ của người dân về hoạt động của tổ chức xã hội.

Theo một khảo sát của Asia Foundationa về mức độ tiếp nhận của người dân với tổ chức xã hội, chỉ có 25% số người được hỏi biết đến NGOs...Từ những khó khăn trên nhóm nghiên cứu đã đưa ra kiến nghị cần đơn giản hóa các thủ tục thành lập tổ chức xã hội, quản lý tổ chức xã hội, đặc biệt là những lĩnh vực phúc lợi xã hội , phục vụ nhóm yếu thế...để tạo điều  kiện cho các tổ chức xã hội tự huy động nguồn lực dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, địa phương cần xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách rõ ràng cho các tổ chức xã hội, dựa trên nhu cầu phúc lợi địa phương và qua hình thức đấu thầu quỹ hoạt động, theo đúng tinh thần của Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi 2015.

PGS. TS Vũ Sỹ Cường kiến nghị, cần xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng hơn cho những đóng góp thiện nguyện của doanh nghiệp cho các tổ chức xã hội không thuộc nhà nước, đặc biệt là chính sách về thuế.

Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hoàn thuế cho các hoạt động phúc lợi của các tổ chức xã hội, xóa bỏ phân biệt trong việc hỗ trợ hoạt động thiện nguyện do các tổ chức quần chúng công phát động và hoạt động do các tổ chức ngoài công lập phát động…
Top