Sóc Trăng: Nhiều giải pháp đồng bộ giúp giảm tệ nạn mại dâm

29/11/2023 12:05

(Chinhphu.vn) - Trong 20 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều giải pháp có tính đồng bộ, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm.

Sóc Trăng: Nhiều giải pháp đồng bộ giúp giảm tệ nạn mại dâm- Ảnh 1.

Phát tài liệu đến các cấp hội phụ nữ để phòng, chống mại dâm

 Liên tục kiểm tra và có các giải pháp ngăn chặn

Thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (giai đoạn 2003 - 2023), UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các sở, ngành tham mưu xây dựng, ban hành nhiều văn bản có liên quan. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị có liên quan từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức triển khai thực hiện. 

Cụ thể là, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 1/9/2006 về thực hiện chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006 - 2010 (chỉ tiêu hằng năm là giảm 80% tụ điểm mại dâm ở các nơi công cộng, không để phát sinh tụ điểm mới; giảm 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức; phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 90% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh, không phát sinh tệ nạn mại dâm). Quyết định số 511/QĐTC-CTUBND, ngày 22/9/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Đội kiểm tra liên ngành 178, nhằm kịp thời kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch số 22/KH-UBND, ngày 19/7/2011 của UBND tỉnh về việc thực hiện chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Kế hoạch số 33/KH-UBND, ngày 14/8/2012 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới…

Hằng năm, tỉnh Sóc Trăng đều lồng ghép chương trình phòng, chống mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (chương trình giảm nghèo; dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng nông thôn mới). Trong đó, chú trọng hướng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đến nhóm đối tượng có nguy cơ hoạt động mại dâm như: thanh niên chưa có nghề nghiệp, việc làm; người lao động tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm…

Toàn tỉnh hiện nay có 644 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Hình thức hoạt động mại dâm hiện nay rất tinh vi, phức tạp, luôn núp bóng hoạt động trá hình dưới hình thức kinh doanh hợp pháp như: nhà trọ, nhà nghỉ, karaoke, ăn uống, cà phê "võng"… để môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm. Hiện nay, người bán dâm chào gọi, môi giới trên mạng internet, tin nhắn điện thoại di động; tập trung thành những nhóm nhỏ ở các quán cà phê "võng", cà phê "tum" để móc nối với khách, sau khi thỏa thuận thành công sẽ di chuyển đến địa điểm hẹn để thực hiện hành vi mua bán dâm; một số khác thông qua việc massage, phục vụ bia, phục vụ cà phê tự chào gọi, thỏa thuận để thực hiện bán dâm.

Trong 20 năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành kiểm tra 560 cuộc với 3.354 lượt cơ sở; qua đó phát hiện 1.569 cơ sở vi phạm hành chính, nhắc nhở 719 cơ sở, xử lý hành chính 747 cơ sở với số tiền trên 2 tỷ đồng. Tiến hành triệt phá 109 vụ liên quan đến tệ nạn mại dâm, bắt 142 gái bán dâm, 142 người mua dâm, 45 chủ chứa, môi giới và xử lý hình sự 20 vụ.

Bất cập và kiến nghị

Theo đồng chí Võ Thanh Quang - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được ban hành năm 2003 đến nay có một số nội dung không còn phù hợp, khái niệm về mua dâm, bán dâm chưa được điều chỉnh. Nghị định số 178/2004/NĐ-CP, ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm có quy định, hướng dẫn về thành lập đội kiểm tra liên ngành 178, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với đội kiểm tra liên ngành 178. Các thành viên đội kiểm tra liên ngành 178 tham gia thực hiện công tác phòng, chống mại dâm đều kiêm nhiệm nên chưa mang tính thường xuyên, liên tục; không có chế độ đãi ngộ cho người làm nhiệm vụ kiêm nhiệm, đặc thù, nguy hiểm, từ đó hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Hiện nay, số cơ sở kinh doanh dịch vụ như: massage, karaoke, giác hơi, gội đầu máy lạnh thường lợi dụng kinh doanh để hoạt động mại dâm trá hình nhưng chế tài xử lý chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe.

Đồng chí Võ Thanh Quang cũng cho rằng, trong xu thế hội nhập, cần có những quan điểm phòng, chống mại dâm phù hợp với quốc tế; cần hỗ trợ, giúp đỡ, giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn, hỗ trợ tâm lý, y tế, pháp lý để giải quyết cho người bán dâm một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, phải được thống nhất trong cách quản lý, xử lý và tạo điều kiện tốt hơn để người bán dâm nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của xã hội và tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần sớm ban hành Luật Phòng, chống mại dâm. Trước mắt cần điều chỉnh khái niệm cụm từ "mua dâm", "bán dâm", "mại dâm" trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 cho phù hợp với tình hình hiện nay. Vì hiện tại, không chỉ có mại dâm là nữ giới mà cả nam giới cũng bán dâm, xuất hiện mại dâm đồng giới, mại dâm không chỉ qua hành vi giao cấu mà còn bằng các hành vi tình dục khác...Đồng thời cũng cần có quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức của cơ quan chuyên trách phòng, chống mại dâm mang tính chuyên nghiệp, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống mại dâm cho cơ quan chuyên trách hoặc đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp. Cần xem xét tính chất, yêu cầu của công việc để bố trí nguồn lực, nhân lực, tài chính, chế tài và chế độ đãi ngộ cho người làm nhiệm vụ phòng, chống mại dâm, đội kiểm tra liên ngành 178 phù hợp, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.

Trong 20 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều giải pháp có tính đồng bộ, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm. 

Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng về tệ nạn mại dâm, nhưng để thực hiện hiệu quả, chặt chẽ công tác này thì rất cần sớm ban hành và sửa đổi, bổ sung những quy định về lĩnh vực này phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Vĩnh Hoàng (t/h)

Top