Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên

05/02/2024 14:09

(Chinhphu.vn) - Trong số các đối tượng là thanh, thiếu niên phạm tội, tội phạm ma túy chiếm khoảng 30%. Bên cạnh đó, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 - 25. Tình trạng sử dụng, mua bán ma túy trái phép trong lứa tuổi thanh thiếu niên trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, một số loại ma túy mới núp bóng được rao bán trên mạng xã hội đã và đang đặt ra nhiều thách thức.

Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên- Ảnh 1.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy trong thanh thiếu niên - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Mới đây, ngày 9/1, Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã bắt quả tang 2 anh em ruột đang vận chuyển trái phép 20 kg ma túy đá từ huyện Hướng Hóa vào TPHCM tiêu thụ. Trong đó, người anh là Ph.D.Tr. sinh năm 1997 và em là Ph.Ng.Đ. sinh năm 1999, cùng trú tại thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy mà các đối tượng bị bắt giữ có tuổi đời còn rất trẻ bị các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị triệt phá trong thời gian gần đây.

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị, trong năm 2023, toàn ngành đã xét xử 412 vụ liên quan ma túy với 688 bị cáo, nhiều đối tượng phải chịu mức án chung thân, tử hình. Đáng lưu ý trong số này có 315 bị cáo có tuổi đời từ 16 đến 30. 

Không riêng Quảng Trị, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trong thanh, thiếu niên ở các địa phương trên cả nước diễn biến phức tạp.

Theo số liệu của Bộ Công an, từ ngày 15/12/2020 đến 14/5/2023, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 136.336 đối tượng là thanh, thiếu niên phạm tội, trong đó tội phạm về ma túy chiếm 31,9%...

Hiện cả nước có gần 230.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 - 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13 - 15 tuổi. Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp thì có tới 70 - 75% người trong độ tuổi 17 - 35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh sinh viên, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dân số trong độ tuổi thanh niên hiện nay của Việt Nam (từ 16-30 tuổi theo quy định của Luật Thanh niên năm 2020) là  khoảng 21,9 triệu người (chiếm 20,9% dân số cả nước).

Vì vậy, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị; trong đó phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, nhất là ngành giáo dục và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp.

Trước tình hình phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên, thời gian qua, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, tổ chức, nhất là với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; coi đây vừa là yêu cầu, vừa là nguyên tắc để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên.

Công tác cai nghiện; điều trị nghiện ma túy; quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng liên quan đến đối tượng thanh, thiếu niên được quan tâm thực hiện ngay từ địa bàn cơ sở, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, vẫn cần một Chương trình riêng cho đối tượng là thanh thiếu niên để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh, thiếu niên; giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, vi phạm pháp luật về ma túy hằng năm, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam phát triển toàn diện...

Chính vì thế, ngày 2/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định ban hành Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030. 

Chương trình đã đề ra những con số và tiêu chí phù hợp trên cơ sở rà soát, nắm tình hình thực tiễn. Đặc biệt, tập trung vào đấu tranh phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên trên không gian mạng cũng như sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về tác hại và cách phòng tránh tệ nạn ma túy; phân công nhiệm vụ phù hợp với chức năng của các đơn vị liên quan…

Chương trình đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy; quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy nhằm ngăn chặn ma túy tác động đến thanh, thiếu niên.

Các tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên được triệt xóa kịp thời

Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 đặt mục tiêu như: Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, trên 90% thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật.

Hằng năm, làm giảm số vụ thanh, thiếu niên phạm tội về ma túy so với năm trước; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên được đấu tranh, triệt xóa kịp thời và không để tái hình thành; trên 90% số vụ phạm tội về ma túy phát hiện liên quan đến thanh, thiếu niên được giải quyết, xét xử theo quy định.

Hằng năm, tổ chức Đoàn các cấp phát động phong trào thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy. Các tổ chức Đoàn xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về ma túy xây dựng mô hình phòng, chống ma túy; trong đó mỗi năm giúp đỡ, hỗ trợ để cảm hóa được ít nhất 01 thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy hoặc thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định....

Hằng năm, ít nhất 70% cơ sở giáo dục bậc trung học cơ sở trở lên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.

Hoàng Giang

Top