Phát huy hiệu quả của những mô hình hỗ trợ người yếu thế

04/05/2023 14:48

(Chinhphu.vn) - Tại nhiều địa phương, các mô hình hỗ trợ người yếu thế đã phát huy hiệu quả, giúp người nghiện ma túy, người bán dâm, người có HIV… tái hòa nhập cộng đồng.

Phát huy hiệu quả của những mô hình hỗ trợ người yếu thế - Ảnh 1.

“Vòng tay bè bạn” - Ngôi nhà thứ hai của người sử dụng ma túy tại Hải Phòng - Ảnh: SCDI

Theo Bộ LĐTB&XH, trong công tác phòng chống mại dâm, đến nay đã có 15 tỉnh, thành phố xây dựng và duy trì các mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, góp phần tích cực hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.  Năm 2022, số người bán dâm có nhu cầu, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng 22.532 lượt người. Trong đó có 436 người được hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm; 2.023 người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 4 người được vay vốn; 20.073 người được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe và cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV.

Tại Hải Phòng, theo thống kê, hiện thành phố có 1.628 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Công an TP. Hải Phòng xác định 2 địa bàn có nhiều tiềm ẩn về tệ nạn mại dâm là khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà. Đây là 2 địa bàn du lịch có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở karaoke… tập trung đông khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nên dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Để hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, trong 2 năm (2019-2020), TP. Hải Phòng đã được Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để triển khai thí điểm các Mô hình "Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới" và Mô hình "Cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng" tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên.

Đến năm 2021-2022, từ nguồn ngân sách địa phương, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục triển khai một số nội dung của Mô hình tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên.

Qua đó, Hải Phòng đã thành lập được 2 Nhóm tự lực, hỗ trợ thiết lập đường dây nóng, thực hiện tiếp cận được trên 300 lượt người lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tổ chức 16 buổi sinh hoạt nhóm; tổ chức 4 buổi khám sức khỏe cho 50 lượt lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Tổ chức 6 buổi truyền thông tại cộng đồng cho 350 người về giảm hại và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; 4 buổi tập huấn kỹ thuật triển khai thực hiện mô hình và nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia Mô hình.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện thí điểm mô hình xây dựng các dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm tại cộng đồng ở TP. Hải Phòng, ông Lê Thanh Tùng, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, rất cần sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp các dịch vụ trong việc tư vấn, truyền thông, y tế, pháp lý, đào tạo nghề, cho vay vốn, giúp người lao động có việc làm, thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.

Mặc dù, các mô hình giảm hại trong phòng chống mại dâm bước đầu thí điểm đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên để duy trì việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm một cách thường xuyên, giúp họ thay đổi hành vi, thay đổi công việc hòa nhập với cộng đồng, hàng năm cần phải có nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có nhiều khó khăn khi xây dựng các mô hình thí điểm hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn có mặc cảm, kỳ thị với người bán dâm khi họ tham gia tổ chức các hoạt động liên quan đến mô hình thí điểm.

Việc tiếp cận người bán dâm đặc biệt là nhóm người bán dâm là nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, đối với người bán dâm, tuy có nguyện vọng hoàn lương nhưng tư tưởng vẫn còn e dè, mặc cảm khi tiếp xúc với cán bộ phụ trách, triển khai nhiệm vụ ở địa phương....

Thiết thực vòng tay bạn bè

Không chỉ có các mô hình từ ngân sách Trung ương, địa phương hỗ trợ, Hải Phòng đã chú trọng xây dựng các nhóm Tự lực ở cộng đồng làm công tác tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ người sử dụng ma túy điều trị, cai nghiện hoà nhập cộng đồng.

Với quan điểm không ai hiểu người nghiện hơn những người đã từng nghiện ma túy, Thành phố mạnh dạn tạo điều kiện cho các nhóm Tự lực của những người từng sử dụng ma túy thành lập, hoạt động, giúp đỡ người nghiện vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Trong đó, nhóm "Vòng tay bạn bè" được thành lập từ năm 2007 tại quận Hồng Bàng. Khi mới thành lập, nhóm hoạt động tự phát trong điều kiện khó khăn do phải chịu tác động rất lớn từ dư luận, xã hội. Thuốc chống tái nghiện, hay thuốc hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng chưa được phổ biến. Những người nghiện, để cắt được cơn, chỉ có thể bằng chính ý chí, nghị lực của bản thân.

Hoạt động khó khăn khi bị xã hội dèm pha bằng ánh mắt tò mò pha chút kỳ thị, nhưng các thành viên của nhóm vẫn miệt mài với công việc, tiếp cận những đối tượng nghiện ma túy khuyên nhủ họ rời xa ma túy.

Sau 3 năm hoạt động, nhóm "Vòng tay bạn bè" đã giúp không ít người nghiện ma túy ở Hải Phòng từ bỏ hẳn ma túy hoặc chuyển sang điều trị bằng thuốc Methadone.

Nhận thấy việc làm hiệu quả của nhóm, năm 2010, nhóm "Vòng tay bạn bè" nhận được sự bảo trợ của Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng (SCDI), thực hiện dự án can thiệp tại cộng đồng.

Công việc của nhóm là tiếp cận người nhiễm HIV/AIDS, người có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, gái mại dâm, gia đình có người nhiễm HIV/AIDS… để tuyên truyền, hướng dẫn phòng lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và qua đường máu, hỗ trợ cắt cơn cai nghiện tại nhóm và tại gia đình, cứu sốc ma túy và hỗ trợ tâm lý cho người nhà của những người sử dụng ma túy. Từ nhóm cai nghiện mang tính tự phát, họ đã trở thành nhóm cai nghiện tại cộng đồng.

Trưởng nhóm cộng đồng "Vòng tay bạn bè" Cao Thị Kim Giang cho biết, nhóm hiện có 9 thành viên, thực hiện một số chương trình, dự án hỗ trợ cộng đồng người yếu thế, trong đó có người nghiện ma túy, người có HIV. Năm 2022, nhóm thực hiện hơn 300 lượt tư vấn, hiện đang hỗ trợ 10 người có HIV dùng thuốc ARV, 53 người sử dụng ma túy điều trị bằng Methadone, hỗ trợ 140 người mua bảo hiểm y tế… 

Theo Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng (SCDI), trên địa bàn thành phố có 8 nhóm cộng đồng có kinh nghiệm thực hiện các dự án hỗ trợ người sử dụng ma túy, phụ nữ bán dâm và có HIV. Năm 2022, các nhóm trên hỗ trợ 226 người bệnh duy trì điều trị Methadone, chuyển gửi thuốc tới 1.036 khách hàng khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, 342 người xét nghiệm sàng lọc và điều trị siêu vi viêm gan C, viêm gan B, cấp mới và gia hạn 299 thẻ BHYT, trao tặng 155 gói dinh dưỡng tới khách hàng có hoàn cảnh khó khăn….

Tuy nhiên, hiện nay, những người cai nghiện ma túy thành công tái hòa nhập cộng đồng vẫn gặp nhiều khó khăn khi xin việc làm. Do vậy, các nhóm cộng đồng rất mong có thêm những dự án về việc làm để giúp người nghiện ma túy, người nhiễm HIV bảo đảm cuộc sống.

Hoàng Giang


Top