Nghệ An: Tổ chức mít tinh hưởng ứng phòng, chống HIV/AIDS

29/11/2022 17:32

(Chinhphu.vn) - Ngày 29/11, Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11-10/12) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12).

Nghệ An: Tổ chức mít tinh hưởng ứng phòng, chống HIV/AIDS  - Ảnh 1.

Điều trị methadone tại cơ sở điều trị của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Ảnh: Thùy Chi

Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay với chủ đề: "Chấm dứt dịch AIDS – Thanh niên sẵn sàng". Đây là thông điệp nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh niên, cần có sự góp sức đặc biệt của lực lượng đoàn thanh niên trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính cho đến thời điểm hiện tại, Nghệ An phát hiện 10.700 người nhiễm HIV, trong đó tử vong hơn 4.400 người. Đáng lưu ý, Nghệ An là tỉnh có số người nhiễm HIV cao, đứng thứ 6 của cả nước. Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, Nghệ An cũng đang là một trong số các tỉnh trọng điểm về ma túy, cả buôn bán và sử dụng.

Tỉ lệ nhiễm HIV hiện nay đặc biệt cao trong giới trẻ, tất cả các huyện/thành/thị có người nhiễm HIV. Số người nhiễm chiếm phần lớn là nam (hơn 78%), độ tuổi phát hiện nhiều nhất là từ 20-39 tuổi (82%), nhiễm HIV lây truyền qua đường máu mà mà chủ yếu do tiêm chích ma túy chiếm phần lớn (72%), quan hệ tình dục là (24%), mẹ truyền sang con gần (3%).

Đại diện Sở Y tế Nghệ An cho biết, thời gian qua Nghệ An đã triển khai đồng bộ các hoạt động cùng với sự vào cuộc của các Ủy đảng, chính quyền cùng toàn thể nhân dân nên phần nào đã chặn đà gia tăng của đại dịch, khống chế dịch trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; tiến dần đến các mục tiêu 95-95-95 đó là cơ sở để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Hiện 21/21 huyện, thành, thị xã có cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV trong đó có 09 phòng xét nghiệm khẳng định HIV. Tỉnh đã thiết lập 26 cơ sở chăm sóc và điều trị ARV với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 4.775 người; đã có 4 cơ sở y tế triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV với hơn 1.700 trường hợp đã tham gia.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai đồng bộ toàn tỉnh với 12 cơ sở điều trị, 20 cơ sở cấp phát thuốc đi vào hoạt động, đã có 4.389 bệnh nhân tham gia điều trị, số bệnh nhân hiện đang điều trị là 1.233 người.

Để nâng cao kiến thức cho cộng đồng, người dân, các cơ quan chuyên môn, cơ quan truyền thông đang tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV cho các tầng lớp nhân dân.

Củng cố, kiện toàn và hoạt động hiệu quả Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và phòng chống tội phạm cấp huyện, cấp xã. Có đủ về số lượng và chất lượng; thực sự là cơ quan thường trực, chỉ đạo điều hành.

Đẩy mạnh hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử; nâng cao chất lượng tư vấn xét nghiệm HIV; tăng cường chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV; tăng cường chất lượng điều trị bằng thuốc Methadone; đẩy mạnh giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng…

Đặc biệt, tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.

Thùy Chi

Top