Năm 2024, mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS dưới 0,3%

15/03/2024 16:32

(Chinhphu.vn) - Đó là một trong những mục tiêu trong Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 mà Bộ Y tế vừa ban hành.

Năm 2024, mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS dưới 0,3%- Ảnh 1.

Chiến dịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được tăng cường, mở rộng phạm vi để hướng dẫn các bạn trẻ ngăn ngừa căn bệnh HIV/AIDS

Theo Quyết định 612/QĐ-BYT ngày 14/3/2024, Bộ Y tế đặt mục tiêu trong Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; giảm số người nhiễm HIV mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS.

Các mục tiêu cụ thể là mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tăng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩu mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tăng tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV; tăng tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

ể hoàn thành kế hoạch, Bộ Y tế nêu các giải pháp thực hiện như xây dựng văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn. Về hoạt động chuyên môn: truyền thông, huy động cộng đồng và phối hợp liên ngành để góp phần thực hiện mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030; can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV; phòng, chống ma túy; theo dõi, đánh giá, giám sát dịch HIV; hoạt động điều trị liên quan đến HIV/AIDS; đảm bảo các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS…

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường và nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo các nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đặc biệt là đảm bảo thuốc điều trị HIV (ARV), thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (methadone) và hoạt động can thiệp giảm hại, dự phòng, giám sát dịch, truyền thông… Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2024 và hướng tới đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Y tế cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ đề hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.

Theo Bộ Y tế, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức. Đáng chú ý, dịch HIV đang được phát hiện chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ, và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh trong nhóm này...

Theo ước tính của các chuyên gia, cả nước hiện có tới khoảng 249.000 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Trong năm qua, cả nước ghi nhận 13.445 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.623 trường hợp tử vong, số người nhiễm HIV đang còn sống là 234.220 trường hợp (ước tính 5% trong số này là trùng lặp); tổng số người nhiễm HIV tử vong lũy tích là 114.195 trường hợp.

Trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV năm 2023, có 84,28% là nam giới và lây nhiễm qua đường tình dục là 80,8%.

Điều đáng lo ngại là tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách nhanh chóng. Một số địa phương, tỷ lệ người nhiễm HIV là MSM chiếm đến 50-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện.

Vĩnh Hoàng

Top