Một ‘cộng đồng sáng tạo’ sẽ sớm kết thúc được dịch bệnh AIDS

26/11/2023 07:54

(Chinhphu.vn) - Công tác phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo, vì sự hiểu biết của chúng ta về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi.

Nhân Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) có cuộc trao đổi với báo chí về những thành tựu, khó khăn và giải pháp để có thể hướng tới mục tiêu 95-95-95 hướng tới sớm kết thúc dịch bệnh AIDS…

Một ‘cộng đồng sáng tạo’ sẽ sớm kết thúc được dịch bệnh AIDS - Ảnh 1.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Cần có những cách làm sáng tạo 

Xin bà cho biết tại sao năm 2023 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030"? 

 PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa vì cộng đồng ở đây bao gồm các Bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội đặc biệt là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người sử dụng ma túy, người mại dâm, bạn tình của các nhóm trên. 

Việc lựa chọn chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" muốn nhắc nhở chúng ta rằng, phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo, vì sự hiểu biết của chúng ta về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi. 

Hiện nay, tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi, cách tiếp cận cũng như can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cũng đã thay đổi. Chúng ta có nhiều công cụ có hiệu quả hơn để can thiệp cũng như kiểm soát đại dịch này. Chủ đề này khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Nhiều kết quả đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS 

Xin bà chia sẻ những kết quả nổi bật trong phòng, chống HIV/AIDS năm 2023? 

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Một số kết quả nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 có thể kể như: Đã ban hành nhiều văn bản cập nhật liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS cho phù hợp với tình hình thực tế (Quy định hình thức, quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; hướng dẫn quy trình, phương pháp giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phê duyệt Đề án duy trì và mở rộng cấp thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện và mới đây nhất là Quyết định 24/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2023 thay thế Quyết định 120/2008/QĐ-TTg về việc quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp)… 

Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện. Tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt tập trung nhiều cho nhóm MSM. 

Xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm khẳng định (được mở rộng xuống tuyến huyện). Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước. 

Về điều trị methadone, tiếp tục duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị. Tính đến 30/9/2023, chương trình methadone đã được triển khai tại 382 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 50.851 bệnh nhân, tính đến 20/10/2023 có 2.291 bệnh nhân được cấp phát thuốc methadone mang về nhà. 

 Về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), tính đến 30/9/2023, đã có 219 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP là 60.020 khách hàng (đạt 109% so với chỉ tiêu 55.000 khách hàng vào năm 2023). 

Điều trị HIV/AIDS hiện có 534 cơ sở điều trị, trong đó 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV bảo hiểm y tế. Tính đến 14/9/2023, cả nước có 177.009 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó 2.748 bệnh nhân trẻ em, 174.261 bệnh nhân người lớn. Hiện đang mở rộng điều trị ARV qua bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên. Để tự chủ tài chính, đã chuyển đổi điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang nguồn bảo hiểm y tế và huy động y tế tư nhân cung cấp các dịch vụ phòng, chống AIDS. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống quản lý thông tin HIV/AIDS (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh. 

Khó khăn và thách thức trong phòng, chống HIV/AIDS 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn khi tình hình dịch HIV có những thay đổi trong thời gian qua. Xin bà chia sẻ về những khó khăn và thách thức chúng ta đang phải đối diện? 

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: HIV/AIDS hiện vẫn là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. 

Bên cạnh đó, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao. 

Về tài chính, một số địa phương chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và chưa phê duyệt định mức chi chương trình mục tiêu y tế. 

Giải pháp hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS 

Để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, xin bà cho biết về những định hướng trong những năm tiếp theo?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Trước hết cầm bảo đảm tài chính, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS. Định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch. Bên cạnh đó, mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Đối với mục tiêu 95-95-95, hiện nay ở nước ta ước tính có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó 88% người biết tình trạng nhiễm HIV, 80% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV và 98,4% người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Xin bà chia sẻ về định hướng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS trong thời gian tới và các giải pháp để duy trì điều trị ARV bền vững?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Với phương châm "lấy người bệnh là trung tâm", công tác điều trị HIV được định hướng theo hướng cung cấp gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS.

Cụ thể, kết nối điều trị thuốc ARV sớm cho người mới phát hiện nhiễm HIV, giúp họ đạt ức chế virus và phục hồi miễn dịch sớm, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế lây nhiễm HIV ra cộng đồng: Cung cấp đầy đủ các dịch vụ KCB cho người bệnh HIV qua BHYT bao gồm XN CD4, XN TLHIV, cấp thuốc ARV 90 ngày sử dụng; Điều trị các nhiễm trùng cơ hội nặng ở người nhiễm HIV giúp họ sớm phục hồi miễn dịch và giảm tỉ lệ tử vong do AIDS; Quản lý, điều trị lao tiềm ẩn, các bệnh đồng nhiễm trên người bệnh HIV: Lao, viêm gan B, C các bệnh lây qua đường tình dục

Bên cạnh đó, tăng cường công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV đưa họ vào điều trị HIV và quản điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV.

Quản lý, chăm sóc vị thành niên nhiễm HIV về tư vấn bộc lộ, tuân thủ điều trị, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn bao gồm sức khỏe tâm thần cho nhóm tuổi này

Mở rộng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV cho mọi đối tượng bị phơi nhiễm với HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV

Thực hiện sàng lọc, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm ngay tại cơ sở điều trị HIV, tập trung vào các bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường. Từng bước triển khai sàng lọc các rối loạn sức khỏe tâm thần (lo âu, trầm cảm), sàng lọc ung thư cổ tử cung ở nữ giới nhiễm HIV phát hiện sớm chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa

Về các giải pháp cần thực hiện nhằm để duy trì điều trị ARV bền vững, ngành y tế sẽ thực hiện Mô hình Kết nối Tìm ca – Xét nghiệm HIV – Cơ sở điều trị HIV (CSĐT HIV): Huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng, mở rộng cơ sở xét nghiệm HIV và CSĐT HIV tại tuyến y tế cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ điều trị HIV qua BHYT bao gồm cả các CSYT công lập và ngoài công lập.

Bảo đảm nguồn thuốc ARV nguồn BHYT và tăng tỉ lệ người bệnh có thẻ BHYT giúp họ tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh HIV từ Quỹ BHYT.

Hướng dẫn các tỉnh, thành phố chủ động cung cấp dịch vụ xét nghiệm CD4, tải lượng HIV tại tỉnh, CSĐT chủ động ký hợp đồng với đơn vị cung cấp được các xét nghiệm trên qua BHYT.

Nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về điều trị lao tiềm ẩn, các bệnh đồng nhiễm, các bệnh không lây nhiễm giúp CSĐT cung cấp được các dịch vụ khám chữa bệnh khác ngay tại cơ sở điều trị HIV. Đồng thời, mở rộng điều trị PrEP bao gồm cả các tỉnh không có dự án hỗ trợ cho nhóm đối tương nguy cơ cao.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thùy Chi 

Top