Kinh nghiệm quốc tế mô hình hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS

04/12/2023 16:50

(Chinhphu.vn) - Mô hình hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS đang được nhiều tổ chức quốc tế trên toàn cầu hỗ trợ, như Quỹ Toàn cầu, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các cơ quan của Liên Hợp Quốc như UNAIDS, UNDP. Một trong những nỗ lực chính của các tổ chức quốc tế là tạo điều kiện thúc đẩy chia sẻ thông tin và học tập giữa các quốc gia thực hiện hợp đồng xã hội.

Huy động sự tham gia của các nhóm đối tượng "chủ chốt"

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong quá trình chuyển đổi cơ chế tài chính từ nguồn tài trợ nước ngoài sang huy động nguồn lực trong nước cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS, cơ chế hợp đồng xã hội với các tổ chức xã hội để cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được coi là một trong những lựa chọn phù hợp và là cách tiếp cận chi phí hiệu quả, củng cố sự hợp tác giữa chính phủ và các tổ chức xã hội, hướng tới mục tiêu huy động sự tham gia hiệu quả và có ý nghĩa của các nhóm đối tượng "chủ chốt" nhằm bảo đảm chất lượng chương trình phòng chống HIV/AIDS.

Kinh nghiệm quốc tế mô hình hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Bàn truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Theo Báo cáo cập nhật toàn cầu của UNAIDS năm 2023, hình thức ký kết hợp đồng xã hội đang được thực hiện ở 18 trong số 59 quốc gia. Ngoài ra, hợp đồng xã hội cũng đang bắt đầu được giới thiệu và triển khai ở 16 quốc gia khác. Ở châu Á, các quốc gia đã thực hiện hợp đồng xã hội gồm Bangladesh, Afghanistan, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Campuchia.

Các quốc gia triển khai hợp đồng xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Điển hình, Ấn Độ sử dụng bản đồ nhu cầu cùng với dữ liệu về phạm vi dịch vụ và ước tính quy mô dân số để xác định nhu cầu, địa điểm, nhằm xác định và ưu tiên các nhóm dân số chưa được phục vụ đầy đủ trong cộng đồng, đồng thời đánh giá khả năng cung cấp dịch vụ y tế của các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Tại Thái Lan, hơn 500 tổ chức xã hội đã đăng ký tham gia ký kết hợp đồng xã hội. Có 3 mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS HIV. Hai hình thức thỏa thuận tài chính được sử dụng cho hợp đồng xã hội là thanh toán bình quân đầu người và thanh toán theo dự án dựa trên các hoạt động của dự án.

Malaysia đã vận hành một cơ chế hiệu quả trong đó các tổ chức xã hội ký kết hợp đồng xã hội sử dụng nguồn tài chính trong nước để cung cấp dịch vụ HIV cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Malaysia nghiên cứu phạm vi dịch vụ mà các tổ chức xã hội và chính phủ đang cung cấp ở mỗi địa điểm để xác định các dịch vụ sẽ được cung cấp thông qua ký kết hợp đồng xã hội.

Ở Trung Quốc, các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ cho nhiều nhóm đối tượng khách hàng bao gồm người nhiễm HIV, các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV và cả cộng đồng nói chung. Phạm vi dịch vụ do các tổ chức xã hội cung cấp rất rộng, từ xét nghiệm HIV đến hỗ trợ đồng đẳng. Có hai loại hình tổ chức xã hội chính cung cấp dịch vụ cho người nhiễm HIV là những tổ chức đăng ký hoạt động độc lập với chính quyền địa phương với tư cách là tổ chức phi lợi nhuận, và những tổ chức liên kết với các phòng khám và văn phòng y tế công cộng địa phương chứ không đăng ký hoạt động độc lập. Cả hai loại hình này đều được nhận nguồn tài chính từ các cơ quan y tế của chính phủ.

Ở Trung Quốc, các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ HIV đã có nhiều năm kinh nghiệm tiếp nhận ngân sách nhà nước và hợp đồng xã hội có thể được coi là được thể chế hóa. Kinh nghiệm lâu năm này đã giúp các tổ chức xã hội đạt được hiệu quả, năng lực và kỹ năng cao trong việc cung cấp các dịch vụ cộng đồng. Lợi ích của việc ký kết hợp đồng xã hội lâu dài với các tổ chức xã hội được thể hiện rõ ràng trong đại dịch COVID-19, bởi các tổ chức xã hội không chỉ là công cụ giúp duy trì các dịch vụ phòng chống HIV mà còn xây dựng khả năng chống chịu cho cộng đồng.

Ở Indonesia, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các nhóm nguy cơ lây nhiễm, kết nối họ tới các dịch vụ xét nghiệm và điều trị, đồng thời hỗ trợ duy trì và tuân thủ điều trị để đạt ngưỡng ức chế tải lượng virus.

Tại Indonesia, một quy định mới đã được Cơ quan Mua sắm Công Quốc gia ban hành, cho phép các tổ chức xã hội tiếp cận nguồn tài chính trong nước thông qua ký kết hợp đồng xã hội khi các tổ chức này trở thành đối tác chính thức của chính phủ trong việc thực hiện các chương trình ở tất cả các tuyến.

Ở Ukraine, các tổ chức xã hội được tài trợ thông qua ngân sách địa phương, hay còn gọi là khu vực. Mô hình Ukraina cho phép các tổ chức xã hội nhận được tài trợ ở cấp khu vực để cung cấp nhiều loại dịch vụ, bao gồm các biện pháp can thiệp cốt lõi phòng ngừa HIV, củng cố cộng đồng và công tác hỗ trợ xã hội. Mục tiêu là ký hợp đồng với các tổ chức xã hội hoặc cơ quan có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao nhất theo cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Kết quả là sự cạnh tranh để giành được nguồn tài trợ của chính phủ đã giúp thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp từ cả chính phủ và xã hội dân sự, sáng tạo hơn và dịch vụ chất lượng hơn.

Một số quốc gia còn tận dụng kinh nghiệm và năng lực của các tổ chức xã hội trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, ở Jamaica, Chính phủ đã mở rộng hợp đồng xã hội với các tổ chức xã hội và các nhà cung cấp dịch vụ y tế khác ngoài dịch vụ HIV, chẳng hạn như mở rộng tiếp cận dịch vụ quản lý vắc xin COVID-19. Ở Estonia, một trong những dịch vụ khác do tổ chức xã hội cung cấp là chuyển gửi người sử dụng ma túy từ các cơ sở thực thi pháp luật sang các dịch vụ y tế và xã hội.

Ở Nam Phi, các tổ chức về giới do thanh niên lãnh đạo được tài trợ để thực hiện giáo dục tại trường học nhằm đối phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Một số quốc gia đang tiến xa hơn việc thí điểm, đưa hợp đồng xã hội vào hệ thống y tế quốc gia để ứng phó với HIV.

Ở Mexico, Chính phủ đã cung cấp kinh phí cho các dịch vụ HIV mục tiêu do các tổ chức xã hội cung cấp liên tục trong hơn 11 năm, bao gồm cả khi có Quỹ Toàn cầu hỗ trợ và sau khi chương trình này kết thúc vào năm 2014. Montenegro đã tài trợ một cách có hệ thống cho các dịch vụ dự phòng do tổ chức xã hội dân sự (CSO) lãnh đạo kể từ năm 2016. Cơ chế vận hành hợp đồng xã hội tại Trung Quốc được Chính phủ Trung Quốc giới thiệu vào năm 2015 gọi là Tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội, các tổ chức xã hội có thể nộp đơn xin tài trợ cho chương trình HIV, bao gồm cả làm việc với các nhóm đối tượng đích.

Bù đắp khoảng trống tài chính thiếu hụt trong phòng, chống HIV

Hiện nay các gói dịch vụ HIV thực hiện thông qua hình thức hợp đồng xã hội tại các quốc gia là khác nhau, phụ thuộc vào tình hình dịch HIV của mỗi quốc gia cũng như các ưu tiên trong can thiệp phòng, chống HIV/AIDS, độ bao phủ của chương trình.

Một số dịch vụ HIV phổ biến được cung cấp thông qua hợp đồng xã hội hiện nay gồm: Tiếp cận người nhiễm HIV và nhóm nguy cơ cao để chia sẻ thông tin và tư vấn trực tiếp; Giới thiệu để kết nối các nhóm nguy cơ cao với các TCXH và các nhân viên được đào tạo để thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV tại nhà hoặc tại cộng đồng; Phân phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, chất bôi trơn và bơm kim tiêm để dự phòng HIV; Giáo dục đồng đẳng, giới thiệu người nghiện chích ma túy tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế như Methadone và Buprenorphine; Giới thiệu người nhiễm HIV tham gia điều trị thuốc kháng virus và cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ tuân thủ điều trị; Hỗ trợ người nhiễm HIV đăng ký tham gia bảo hiểm y tế; Tư vấn và giới thiệu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP); Hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội khác…

Thực tế ở các quốc gia đã triển khai mô hình hợp đồng xã hội cho thấy, việc bù đắp khoảng trống tài chính thiếu hụt khi nhà tài trợ quốc tế cắt giảm bằng nguồn tài chính trong nước thông qua hợp đồng với các tổ chức xã hội đã thu được những thành công nhất định.

Để đạt được những thành công đó, các quốc gia đều phải bảo đảm: Xác định rõ vai trò cho các tổ chức xã hội trong kế hoạch quốc gia và được dự trù kinh phí cho kế hoạch hành động; Có một khung pháp lý bảo đảm tạo điều kiện cho tổ chức xã hội hoạt động; Có gói dịch vụ cụ thể, cơ chế hợp đồng, công nhận tổ chức xã hội, và định mức thực hiện; Có các cơ chế để tổ chức xã hội có thể giám sát được việc sử dụng các khoản kinh phí cho đáp ứng với dịch HIV/AIDS.

Thí điểm triển khai hợp đồng xã hội tại Việt Nam

Tại Việt Nam ngày 29/11/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5466/QĐ-BYT phê duyệt "Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024".

Để giúp các đơn vị có thể triển khai Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các cơ quan và đối tác xây dựng Hướng dẫn triển khai thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024 với mục tiêu: Thí điểm mua sắm một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp thông qua hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu; cung cấp bằng chứng, đề xuất các cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện mua sắm một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp từ nguồn ngân sách nhà nước…

Hiện nay, đề án thí điểm hợp đồng xã hội đã và đang được triển khai tại 9 tỉnh/thành phố: Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Điện Biên, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ và Kiên Giang. Tính đến tháng 9/2023 đã ký hợp đồng thành công với tổng cộng 13 tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội để cung cấp dịch vụ HIV cho gần 4.000 khách hàng.

Nghệ An là tỉnh đầu tiên được ưu tiên triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội từ năm 2018. Sau gần 5 năm hoạt động, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã phát huy tối đa lợi thế của các tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng (CBO), mô hình này chi trả theo hiệu suất tìm ca dương tính HIV mới, khuyến khích CBO chủ động sáng tạo trong tìm ca, bản chất do nhóm CBO chủ động sàng lọc đối tượng tốt nên đạt hiệu suất cao.

Qua thời gian triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội, ngành y tế Nghệ An đã phát hiện được rất nghiều người nhiễm HIV mới, hỗ trợ rất nhiều người được tham gia điều trị bằng thuốc ARV, hỗ trợ cho bệnh nhân tham gia điều trị tuân thủ tốt.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của người nguy cơ cao về các đường lây nhiễm HIV, cách phòng tránh, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, lợi ích của việc xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc ARV và điều trị Methadone cũng như lợi ích của điều trị trước phơi nhiễm PrEP...

Tính riêng từ 10/2021 đến tháng 9/2022 kết quả triển khai đã tìm ra 236 ca dương tính mới; kết nối chuyển gửi thành công vào điều trị ARV mới 159 bệnh nhân, hỗ trợ 739 ca vào điều trị và điều trị lại, hỗ trợ 385 bệnh nhân có nguy cơ bỏ trị thực hiện tuân thủ điều trị, hỗ trợ rất nhiều người nguy cơ cao lây nhiễm HIV tham gia điều trị Methadone, PrEP…

Theo đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính, các tổ chức xã hội có thể đóng góp từ 25 - 50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy cần mở rộng việc thực hiện mô hình hợp đồng xã hội thực hiện phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Trong đó, Nhà nước cần đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và hỗ trợ để các tổ chức xã hội có thể tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, bố trí nguồn lực và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức xã hội ký hợp đồng và sử dụng nguồn vốn trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Có cơ chế hợp đồng và giám sát dịch vụ chặt chẽ, minh bạch để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn công cho các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ. Nâng cao năng lực để đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và có đủ kinh nghiệm để cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả.

Chương trình thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã cho thấy những bước tiến quan trọng để từng bước tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và hướng đến kiểm soát dịch vào năm 2030.

Thùy Chi

Top