Giảm chi phí tối đa từ mô hình xã hội hóa cơ sở điều trị Methadone

08/12/2014 15:52

(Chinhphu.vn)- Hơn 90% người sử dụng ma túy và gia đình của họ mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị Methadone. Tuy nhiên, đây là một quá trình điều trị lâu dài và cần kinh phí lớn trong khi các nguồn hỗ trợ đang giảm dần. Để giải quyết thực trạng này một cách bền vững, theo ông Vũ Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, cần tiến tới xã hội hóa các cơ sở điều trị Methadone.

Rất nhiều người bệnh mong muốn được điều trị bằng Methadone-Ảnh minh họa

Lào Cai là một trong 10 địa phương trọng điểm về nghiện ma túy đã triển khai mô hình này. Mô hình điều trị nghiện ma túy bằng cách dùng Methadone đã thực sự đem lại hiệu quả tích cực đối với chính những người nghiện ma túy, gia đình của họ và cả cộng đồng trong xã hội.

Được thành lập từ tháng 10/2013, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, cơ sở xã hội hóa đầu tiên điều trị Methadone của tỉnh đang điều trị cho 381 bệnh nhân.

Trao đổi với phóng viên, một số bệnh nhân cho biết, từ khi uống Methadone, được duy trì liều ổn định, họ không còn cảm thấy thèm muốn, bứt dứt và muốn có ma túy sử dụng ngay. Thay vào đó, họ cảm thấy cơ thể được cải thiện nhiều.

Đặc biệt, họ được cha mẹ, vợ con thông cảm, chia sẻ động viên, chăm sóc cho ăn uống đầy đủ, nên bản thân dần lấy lại được thăng bằng, tin tưởng vào cuộc sống.

Về tài chính, nếu như trước đây, hàng năm, ngân sách tỉnh tốn khoảng 9 tỷ đồng/năm để đưa khoảng 550-600 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại 2 trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội thì khi triển khai dự án điều trị bằng thuốc Methadone theo mô hình xã hội hóa, ngân sách của tỉnh giảm tới 9 tỷ đồng/năm.

Cụ thể, khi xã hội hóa, mỗi người nghiện điều trị bằng Methadone chỉ phải đóng 7.000 đồng/bệnh nhân/ngày. Như vậy, so với trước đây, bệnh nhân và gia đình người nghiện đã tiết kiệm được từ 300.000-1.000.000 đồng mua ma túy sử dụng hàng ngày. Do đó, rất nhiều người bệnh mong muốn được điều trị theo mô hình này.

Cũng chính từ  đó, ông Vũ Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tình hình tội phạm, trộm cắp trên địa bàn do đối tượng liên quan đến ma túy đã giảm hẳn so với trước khi triển khai điều trị bằng Methadone, đặc biệt giảm sự kỳ thị của mọi người xung quanh.

“Bản thân người bệnh đã tự chăm sóc bản thân, sống hòa thuận và có trách nhiệm hơn với gia đình từ khi được duy trì liều Methadone ổn định”, ông Cường nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ mô hình xã hội hóa cơ sở điều trị Methadone

Theo đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai, để đạt được hiệu quả tối ưu từ mô hình xã hội hóa cơ sở điều trị Methadone, trước tiên phải xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của những cơ sở này.

Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có tinh thần trách nhiệm cao, được trang bị những kiến thức về chuyên môn, khả năng giao tiếp hiệu quả, tư vấn và tham vấn tốt cho người nghiện.

Đồng thời, có cơ chế phân công, phối hợp, thống nhất, rõ ràng, có sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhân tố quan trọng: hệ thống văn bản quy định rõ ràng, có sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo tỉnh; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chi cục phòng chống TNXH, cơ sở điều trị Methadone...; có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực, tự nguyện của cá nhân người nghiện và gia đình.

Bên cạnh những kinh nghiệm trên, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai cũng kiến nghị nhà nước có chính sách cụ thể về dạy nghề, việc làm cho người sau cai nghiện, có chính sách miễn, giảm phí điều trị cho bệnh nhân nghiện thuộc đối tượng được hưởng các chính sách xã hội theo quy định như đối tượng vào cai nghiện bắt buộc.

Được biết, theo đề xuất của Sở LĐTB-XH  và Sở Y tế, UBND tỉnh Lào Cai đã đồng ý năm 2015 sẽ thêm cơ sở điều trị bằng Methadone tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn và Bát Xát nhằm bảo đảm đến hết năm 2015 điều trị bằng thuốc Methadone cho 2.431 (chiếm 40%) người nghiện các chất dạng thuốc phiện đúng theo kế hoạch.

Đặc biệt, trong quý IV này, tỉnh sẽ mở thêm một cơ sở xã hội hóa tại khu vực 8 phường phía Nam của TP Lào Cai. 

Top