Đồng Nai: Tỉ lệ nhiễm mới HIV ngày càng trẻ hóa, tập trung trong nhóm nguy cơ cao

22/06/2023 10:09

(Chinhphu.vn) - Trong những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng trẻ hóa, tăng cao ở nam giới và tập trung nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Tỉ lệ nhiễm mới HIV tập trung ở 3 nhóm nguy cơ cao

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương phát hiện khoảng 6.600 người nhiễm HIV; dịch HIV tại tỉnh đang ở giai đoạn dịch tập trung.

Đồng Nai: Tỉ lệ nhiễm mới HIV ngày cảng trẻ hóa, tập trung trong nhóm nguy cơ cao - Ảnh 1.

Chương trình Safe Zone hướng dẫn công nhân, người lao động tải app vào điện thoại để tìm hiểu kiến thức và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hoá, tăng cao ở nam giới và tập trung ở nhóm nguy cơ cao với 3 quần thể lây nhiễm chính là tiêm chích ma tuý chiếm 27%; Nhóm phụ nữ bán dâm chiếm 21%, đặc biệt cao ở nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 51%.

Những số liệu nêu trên cho thấy dịch HIV/AIDS tại Đồng Nai vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng lan rộng vào cộng đồng dân cư thông qua con đường tình dục không an toàn và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ. 

Đồng Nai là tỉnh nằm ở miền Đông Nam bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút số lượng lớn công nhân lao động; có 21 trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề thu hút rất đông học sinh, sinh viên đến từ các vùng miền trong cả nước đến học tập và làm việc. 

Nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt là trong nhóm nam quan hệ đồng giới, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, thời gian qua Đồng Nai đã triển khai các hoạt động liên quan, các dịch vụ phòng chống HIV cho công nhân và thanh thiếu niên.

Hiện nay, Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện đa dạng các loại hình về chương trình phòng chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng các hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, xét nghiệm lưu động, xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân và tại cộng đồng thông qua các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng, bằng việc ứng dụng các kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm mới nhằm xác định những người có hành vi nguy cơ cao để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp phòng lây nhiễm HIV.

Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng

Là đơn vị triển khai truyền thông HIV/AIDS trong công nhân thông qua mô hình SafeZone do Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống LIFE (Trung tâm LIFE) hỗ trợ, anh Trần Hưng, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Hưng Vũ (H. Nhơn Trạch) cho biết, có rất nhiều bạn trẻ là công nhân đã đến với doanh nghiệp để được hỗ trợ về xét nghiệm, điều trị trước phơi nhiễm bằng PrEP, hoặc là kết nối điều trị ARV khi bị nhiễm. Việc này cho thấy nhu cầu các dịch vụ về HIV cho công nhân tương đối cao.

BS.CKI Nguyễn Xuân Quang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, để ngăn ngừa lây nhiễm mới trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, công nhân và người lao động, ngành y tế tỉnh đã phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy dự phòng HIV/AIDS trong khu công nghiệp, nhà máy vận động tạo dựng không gian an toàn cho công nhân lao động. Tuy nhiên, để triển khai các hoạt động thực tế thì vẫn đang gặp khó khăn. Lý do là sau đại dịch COVID-19, lượng khách hàng của các công ty giảm sút, việc làm ít, nên doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với các hoạt động này. Đây là khó khăn chung cho các doanh nghiệp xã hội muốn triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân.

Hiện nay, Trung tâm Nâng cao chất lượng cuộc sống (Trung tâm LIFE) đang thực hiện 2 dự án lớn tại tỉnh bao gồm: Dự án Vusta (thuộc Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS): Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng phòng chống HIV/AIDS và Dự án Ladders: Dự án hỗ trợ địa phương phát triển và cung cấp dịch vụ về HIV & chăm sóc sức khỏe hiệu quả, thích ứng và bền vững.

Các hoạt động của dự án nhằm hỗ trợ cho địa phương tiến tới đạt được các mục tiêu 95-95-95 (95% người có HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hiện kết quả thực hiện mục tiêu 95-95-95 của Đồng Nai cụ thể như sau: ở mục tiêu thứ nhất là số người nhiễm biết tình trạng của mình đã đạt được 92,8%; mục tiêu số bệnh nhân đang điều trị ARV đạt 84,4%; và mục tiêu số bệnh nhân khống chế tải lượng vi rút dưới ngưỡng 1000 copy/1 đơn vị máu đạt 98,8%.

Để đạt được kết quả trên, Trung tâm LIFE đã hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội tại Đồng Nai thực hiện một số mô hình sáng tạo như Safe UNI (truyền thông cung cấp dịch vụ HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên) tại 3 trường học với hơn 800 học sinh, sinh viên tham gia; Safe Zone (truyền thông, cung cấp dịch vụ HIV/AIDS cho công nhân) tại 2 cơ sở với gần 200 công nhân tham dự.

Bên cạnh đó, Trung tâm LIFE còn tổ chức nhiều đợt giám sát hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn như xét nghiệm HIV tại cộng đồng, kỹ năng khai vấn, đấu thầu, kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quản lý hành chính nhân sự… 

Bà Nguyễn Nguyên Như Trang, Giám đốc Trung tâm LIFE cho biết, các buổi truyền thông cho công nhân rất gần gũi thiết thực, bao gồm các thông điệp, kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn và phòng tránh HIV/AIDS, được thực hiện theo phương pháp chủ động, sáng tạo và có tính tương tác cao thông qua trò chơi, hội thi, sự kiện và bài đăng trên đa dạng các kênh trực tuyến và trực tiếp. Thông qua các buổi truyền thông, các doanh nghiệp xã hội cũng giới thiệu các dịch vụ về HIV đến cho công nhân.

Bên cạnh những thuận lợi như sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở y tế cho các doanh nghiệp xã hội thì vẫn còn những khó khăn nhất định như: Tình trạng Phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) vẫn yêu cầu hộ khẩu/tạm trú khi khách hàng kết nối điều trị ARV/PrEP; Nguồn thuốc ARV miễn phí dần hết, nguồn thuốc ARV thông qua BHYT không đủ dẫn đến việc khách hàng chưa có BHYT không thể đưa vào điều trị, khách hàng đang điều trị nhận thuốc nhiều lần; Địa bàn rộng, độ bao phủ các các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng chưa cao; Cơ chế thực hiện truyền thông tại nhà máy, xí nghiệp (Safe Zone) còn gặp nhiều hạn chế. 

Từ những khó khăn trên, đại diện Trung tâm LIFE cho rằng, các đơn vị liên quan cần hỗ trợ giải quyết các khó khăn liên quan đến hộ khẩu, tạm trú; Xem xét lại quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm cho khách hàng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và cơ sở y tế xem xét có cơ chế nhằm bảo đảm đủ nguồn thuốc ARV; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai hỗ trợ triển khai can thiệp, truyền thông HIV trong nhà máy (Safe Zone)…

Trong thời gian tới, tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS trên toàn cầu vào năm 2030, Đổng Nai sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV và dự phòng HIV đối với những người nguy cơ lây nhiễm cao; mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ dự phòng PrEP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, huy động các nhà thuốc, phòng khám tư nhân cùng tham gia triển khai dịch vụ này để người dân dễ dàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Thùy Chi

Top