Đoàn phóng viên đi thực tế về phòng, chống HIV/AIDS tại Kiên Giang, Bình Dương

19/07/2023 18:18

(Chinhphu.vn) - Trong 5 ngày (17-21/7), Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức đoàn công tác đưa phóng viên của một số cơ quan báo chí Trung ương đi thực tế tại 2 tỉnh Kiên Giang, Bình Dương.

Đoàn phóng viên đi thực tế về phòng, chống HIV/AIDS tại Kiên Giang, Bình Dương - Ảnh 1.

Đoàn công tác làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Thùy Chi

Đoàn công tác do Ths. Bs Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn công tác có các phóng viên đến từ Báo Tiếng Chuông, Nhân dân điện tử, Vietnamplus, Báo điện tử Đảng Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thanh Niên, Công an nhân dân, Văn Hóa, Sức khỏe đời sống, Viettimes…

Đoàn công tác đã đến làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, làm việc tại trường Đại học Thủ Dầu Một, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương và một số tổ chức xã hội vì cộng đồng…

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, địa phương phát hiện số người nhiễm HIV đứng thứ 4 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 trong cả nước. Hàng năm Kiên Giang phát hiện thêm 350-400 ca nhiễm (năm 2022 phát hiện 469 ca).

Tính đến 30/6/2023 số tích luỹ phát hiện HIV của Kiên Giang là 6.509 người, trong đó 1.702 người đã tử vong; Số người nhiễm HIV còn sống quản lý được: 84,6% (4.068/4.807). Hiện có 3.161 người nhiễm đang được điều trị thuốc kháng virus HIV (74 là trẻ em <15 tuổi).

Đối tượng dễ bị nhiễm HIV và tỉ lệ nhiễm cao là nhóm có quan hệ tình dục đồng giới, người nghiện chích ma túy, người mua bán dâm. Qua thống kê cho thấy số  người bị nhiễm HIV do lây qua đường tình dục 81,7% (năm 2022 phát hiện chủ yếu do lây qua đường tình dục 97,9%); Phân bố theo tuổi: độ tuổi 25-49 là 72,3%; giới nam 66,3%, nữ 33,7%, từ 2017 đến nay nam giới gia tăng trở lại lên 85,7% (2022).

Trong những năm gần đây, nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV chiếm tỉ lệ cao nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, với tỉ lệ nhiễm HIV từ 11,3% lên 14,7% qua giám sát trọng điểm từ 2015-2020, năm 2022 có xu hướng giảm nhưng tỉ lệ vẫn cao là 11,3%.

Tỉ lệ hiện nhiễm HIV tỉnh Kiên Giang khoảng 0,2% (so cả nước là 0,3%) và 99,3% (143/144) xã/phường đã ghi nhận có ca nhiễm HIV.

Hiện Kiên Giang đang triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS như can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; Tư vấn, xét nghiệm HIV; Khám và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Điều trị thuốc kháng virus HIV, Điều trị viêm gan virus C trên người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan virus C;...

Tại Bình Dương, tính đến tháng 2/2023, toàn tỉnh Bình Dương đang quản lý 3.008 người nghiện ma tuý (trong đó người nghiện ngoài xã hội là 1.894; trại giam, nhà tạm giữ là 470 người; cơ sở cai nghiện là 644 người), phần lớn người nghiện ma tuý trong độ tuổi thanh niên.

Đoàn phóng viên đi thực tế về phòng, chống HIV/AIDS tại Kiên Giang, Bình Dương - Ảnh 3.

Các phóng viên phỏng vấn đại diện đồng đẳng viên. Ảnh: Thùy Chi

Hiện số ước tính nhóm nam quan hệ đồng giới tại tỉnh vào khoảng 15.000 người (độ tuổi 15-19 chiếm 10%; 20-29 tuổi chiếm 54,6% và > 30 tuổi chiếm 35.4%). Nhóm nam quan hệ đồng tính chiếm tỉ lệ 80% số ca phát hiện qua giám sát phát hiện HIV tại Bình Dương năm 2021; 67.4 % năm 2022 và chiếm 67.3% số ca nhiễm HIV trong 6 tháng đầu năm tại Bình Dương.

BS. Vương Thế Linh, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương cho biết, Bình Dương là tỉnh có tới 70-80% trường hợp nhiễm HIV là công nhân. Số ca nhiễm mới tăng nhanh tại Bình Dương trong những năm gần đây chủ yếu do tỉnh có nhiều khu công nghiệp, biến động dân cư lớn. Nếu như trước đây, số ca nhiễm HIV được phát hiện qua ma túy, mại dâm, thì nay chủ yếu qua đường tình dục, tập trung lớn trong nhóm nam quan hệ đồng giới.

Theo BS. Vương Thế Linh, để giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm này, Trung tâm đang tăng cường các hoạt động tư vấn, xét nghiệm, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, bám sát cộng động nguy cơ cao, nam quan hệ tình dục đồng tính, các biện pháp can thiệp giảm hại, các hoạt động đáp ứng y tế công cộng…nhằm giảm thiểu số người lây nhiễm mới HIV trong nhóm nguy cơ cao, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính.

Thùy Chi

Top