Điều trị PrEP từ xa - Chiến lược giúp dễ dàng tiếp cận dịch vụ

04/07/2022 13:13

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP) từ xa là chiến lược giúp cho những người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận dịch vụ.

Điều trị PrEP từ xa – Chiến lược giúp dễ dàng tiếp cận dịch vụ  - Ảnh 1.

90% người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV sử dụng PrEP sẽ phòng được lây nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Điều trị PrEP là biện pháp dự phòng hiệu quả

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ trên 90% người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV sử dụng PrEP sẽ phòng được lây nhiễm HIV nếu họ sử dụng theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc và tuân thủ điều trị. PrEP là một trong số các dịch vụ y tế thiết yếu cần được duy trì liên tục trong mọi tình huống để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dự phòng và điều trị HIV.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay. Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả điều trị PrEP. PrEP là một chiến lược dự phòng HIV trong đó người chưa nhiễm HIV dùng thuốc kháng vi rút tenofovir/emtricitabine (TDF/FTC) để phòng lây nhiễm HIV. Có hai cách sử dụng PrEP là: PrEP dùng hàng ngày và PrEP tình huống (ED-PrEP)

Người có bạn tình là người nhiễm HIV (đặc biệt là người chưa đạt ức chế virus, > 200 bản sao/ml); người có quan hệ tình dục qua đường hậu môn/âm đạo không dùng bao cao su với nhiều bạn tình; người mắc các nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) (tự báo cáo, từng điều trị triệu chứng, hoặc xét nghiệm); người sử dụng dự phòng sau phơi nhiễm không liên quan đến nghề nghiệp (nPEP); người yêu cầu được sử dụng PrEP; người dùng chung dụng cụ tiêm chích hoặc có bạn chích nhiễm HIV.

Người có nhu cầu hoàn toàn có thể yên tâm khi điều trị PrEP. Chỉ khoảng 10% số bệnh nhân có thể có "hội chứng bắt đầu dùng thuốc" (ví dụ: đau dạ dày hoặc đau đầu nhẹ). Thường nhẹ, tự hết sau1-2 tuần, và không dẫn đến việc ngưng thuốc. Ngoài ra, có thể có sự giảm nhẹ, đảo ngược về mật độ chất khoáng ở xương và chức năng thận với tỷ lệ <1%.

Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%. Vì vậy, năm 2015, Tổ chức Y tế đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP cho nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới (TW), người tiêm chích ma tuý (TCMT), bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên.

Đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ trong bối cảnh dịch COVID-19

Tại Việt Nam, điều trị PrEP được triển khai từ năm 2017 ngay sau khuyến cáo của WHO. Đến 31/12/2021, có 28/63 tỉnh, thành phố với gần 200 cơ sở điều trị PrEP cho gần 38.000 người. Mục tiêu Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS đã đặt chỉ tiêu đến 2025 có 70% người có hành vi nguy cơ cao ở Việt Nam (khoảng 72.000 người) được sử dụng PrEP và đạt 80% (khoảng 83.000 người) vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030, số người nhiễm HIV mới được phát hiện hằng năm cần dưới 1.000 người. Năm 2021, Việt Nam phát hiện được gần 13.000 người nhiễm HIV, trong đó số người nhiễm HIV mới là khoảng 6.000 người. Điều này đặt ra vấn đề là các biện pháp dự phòng nhiễm HIV, bao gồm PrEP cần phải được triển khai mạnh mẽ, tăng số người được tiếp cận và đảm bảo chất lượng của các dịch vụ được cung cấp. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, , việc điều trị PrEP từ xa là chiến lược giúp cho những người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, dịch vụ điều trị PrEP từ xa là dịch vụ y tế được cung cấp bằng cách tương tác qua hệ thống âm thanh và hình ảnh điện tử giữa bác sĩ và khách hàng không ở cùng một địa điểm. Tư vấn khám, điều trị PrEP từ xa là tư vấn khám bệnh khi bác sĩ và khách hàng không có mặt trong cùng phòng và sử dụng công nghệ để nghe và nhìn thấy nhau.

Nguyên tắc thực hiện là dịch vụ điều trị PrEP từ xa là dịch vụ y tế được cung cấp bằng cách tương tác qua hệ thống âm thanh và hình ảnh điện tử giữa bác sĩ và khách hàng không ở cùng một địa điểm. Tư vấn khám, điều trị PrEP từ xa là tư vấn khám bệnh khi bác sĩ và khách hàng không có mặt trong cùng phòng và sử dụng công nghệ để nghe và nhìn thấy nhau.

Khách hàng sử dụng dịch vụ Tele PrEP cần đáp ứng các tiêu chuẩn: Đủ các điều kiện để sử dụng dịch vụ PrEP theo quy định của Bộ Y tế; có đủ phương tiện và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để kết nối và tương tác trực tuyến với nhân viên y tế trong quá trình nhận dịch vụ Tele PrEP; tự nguyện, đồng thuận và cam kết sử dụng dịch vụ Tele PrEP theo các quy định và quy trình chuyên môn do cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP thông báo.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị các quốc gia cần đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu bao gồm cả dịch vụ PrEP để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe liên tục của người dân thông qua hình thức khám chữa bệnh từ xa. Hiện các quốc gia trên thế giới cũng đang thúc đẩy đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ PrEP nhằm tối đa số người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận với biện pháp dự phòng hiệu quả này. Trong hướng dẫn của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ về PrEP ban hành cuối tháng 12/2021, đã khuyến cáo về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ PrEP. Một số quốc gia như Braxil, Thái Lan đã thực hiện cung cấp dịch vụ PrEP từ xa (TelePrEP), PrEP tại nhà. Nhằm duy trì các dịch vụ PrEP, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cung cấp TelePrEP cho các trường hợp điều trị PrEP ổn định và có các vấn đề không thể đến cơ sở y tế để trực tiếp nhận dịch vụ.

Thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, nhiều người bệnh HIV, người đang sử dụng dịch vụ PrEP đã không đến được các cơ sở y tế để tiếp tục nhận dịch vụ. Thực trạng này đặt ra việc cần có các mô hình hỗ trợ từ xa để duy trì việc sử dụng dịch vụ PrEP, góp phần giảm số nhiễm HIV mới. Tại Việt Nam, một số bệnh viện đã triển khai khám chữa bệnh từ xa như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai….. Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 về việc phê duyệt "Đề án khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025.

Nhằm tăng số người sử dụng dịch vụ PrEP và khắc phục các vấn đề vướng mắc trong việc tiếp cận trực tiếp với cơ sở cung cấp dịch vụ, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch thí điểm triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (TelePrEP). Việc triển khai thí điểm này góp phần mở rộng phạm vi cung cấp PrEP, đa dạng hóa các mô hình điều trị PrEP đảm bảo sự linh hoạt, thuận tiện, dễ tiếp cận, bảo mật thông tin, dự phòng HIV kịp thời. Mô hình Tele-PrEP cũng phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam trong việc tăng cường tiếp cận với các can thiệp dự phòng nhiễm HIV.

Thùy Chi

Top