Để các tổ chức xã hội tham gia bền vững công tác phòng, chống HIV/AIDS

02/10/2023 13:33

(Chinhphu.vn) - Các tổ chức xã hội đang ngày càng có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần bảo đảm bền vững các kết quả phòng chống HIV và hướng tới mục tiêu chấm dứt AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Hỗ trợ cung cấp các dịch vụ chiếm ưu thế

Nhờ hoạt động tích cực, các tổ chức xã hội ở Việt Nam đang ngày càng có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong suốt hơn 30 năm qua. Cụ thể, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong vận động chính sách: Ở cấp độ quốc tế và khu vực các tổ chức xã hội đã tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS, góp thêm tiếng nói trong nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu toàn cầu về tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ về HIV và thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững.

Để các tổ chức xã hội tham gia bền vững công tác phòng, chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Ở cấp độ quốc gia, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đoàn thể cũng như các tổ chức phi chính phủ, các mạng lưới đã tham gia vào việc vận động nhiều chính sách quan trọng liên quan đến quyền của người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV, vấn đề tiếp cận thuốc giá rẻ, tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách. Họ đã tham gia rất tích cực vào việc xây dựng Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS…

Những người nhiễm HIV, các mạng lưới và các tổ chức phi chính phủ đã góp ý trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS quốc gia, các đề xuất viện trợ từ Quỹ Toàn cầu, Khung chiến lược đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS HIV/AIDS; Đề án bảo đảm tài chính phòng, chống HIV/AIDS,... thông qua tổ chức các đối thoại quốc gia, các diễn đàn, hội nghị và tham dự các cuộc họp do các Bộ, ngành tổ chức.

Trong cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội đã trực tiếp cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ cho người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Đặc biệt, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ tại những lĩnh vực hoặc những vùng mà dịch vụ của chính phủ chưa bao phủ hết hoặc các dịch vụ đó là ưu thế của các tổ chức cộng đồng.

Cụ thể, truyền thông; tư vấn; chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS; tiếp cận các nhóm có hành vi nguy cơ cao để truyền thông, tư vấn, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm; chuyển gửi điều trị Methadone; tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; hỗ trợ giới thiệu, chuyển gửi đến các dịch vụ y tế và xã hội...

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, giai đoạn trước, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm HIV mới, khoảng 10.000 người tử vong. 5 năm trở lại đây, số ca mắc mới giảm 1/3 (12.000), số người qua đời vì căn bệnh khoảng 2.000.

Theo Cục trưởng Phan Thị Thu Hương, Việt Nam đặt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, trên thực tế công tác phòng chống HIV vẫn gặp phải nhiều khó khăn.

Cụ thể, xu hướng dịch đã có sự thay đổi, đặc biệt là đường lây truyền HIV. Trước đây, đường lây truyền chủ yếu ở nhóm nghiện chích ma túy và mại dâm, gần đây chuyển sang nhóm quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt người đồng giới nam hoặc chuyển giới. Do vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử, việc tiếp cận, cung cấp các dịch vụ dự phòng cho nhóm này khó khăn hơn, đòi hỏi chuẩn bị những mô hình chống chống dịch mới.

Bên cạnh đó, các nguồn tài trợ quốc tế cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm, từ 80% tổng ngân sách xuống còn 50%, tiến tới chấm dứt hỗ trợ.

Trước bối cảnh này, Bộ Y tế đề xuất Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các nước để duy trì, nhân rộng và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tiếp tục cung cấp dịch vụ thông qua hình thức mua sắm, gọi là hợp đồng xã hội.

Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là một bản hợp đồng có tính ràng buộc về pháp lý giữa đại diện một đơn vị của nhà nước (bên A) và đơn vị ngoài nhà nước - là tổ chức xã hội (bên B), qua đó bên A trả tiền để bên B cung cấp các dịch vụ được yêu cầu với chi phí theo thỏa thuận. Theo ước tính, các tổ chức xã hội có thể đóng góp 25-50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Bộ Y tế đang thí điểm đề án mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp tại 9 tỉnh, gồm Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Dương, Hải Phòng và Điện Biên.

Ở nước ta, các tổ chức xã hội hiện có thể đóng góp từ 25% đến 50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, để các tổ chức xã hội tham gia bền vững vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS thông qua mô hình hợp đồng xã hội, vẫn còn một số rào cản về pháp lý.

Bước tiến quan trọng để kiểm soát dịch HIV/AIDS vào năm 2030

ThS.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, khoảng 15 năm trước, các nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến hơn 80% tổng ngân sách chi cho các hoạt động phòng chống dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến nay con số này chỉ chiếm chưa tới 50% và tiếp tục bị cắt giảm. Khi nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, sẽ ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động này.

Việc triển khai mô hình hợp đồng xã hội rất quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, huy động sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội trong công tác này. Tuy nhiên, Ths.BS Đỗ Hữu Thủy cho biết, việc ký hợp đồng với các tổ chức xã hội vẫn còn một số rào cản pháp lý.

Thứ nhất, hiện các danh mục dịch vụ phòng chống HIV/AIDS chưa nằm trong danh mục các dịch vụ công được Thủ tướng phê duyệt, dẫn đến không thể sử dụng ngân sách để ký hợp đồng.

Thứ 2, Nghị định 32 của Chính phủ hướng dẫn việc giao nhiệm vụ hay đặt hàng chỉ thực hiện với các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, các tổ chức xã hội (không phải đơn vị sự nghiệp công lập) không áp dụng được.

Thứ 3, hiện chưa có cơ quan nào ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cũng như khung giá dịch vụ. Vì thế, chưa có cơ sở để thực hiện việc ký kết hợp đồng với các tổ chức xã hội.

Ngoài ra, hiện việc thực hiện hợp đồng với các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ qua hình thức đặt hàng hay đấu thầu cung cấp dịch vụ các địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Là một trong 9 tỉnh đang được Bộ Y tế cho phép thí điểm đề án mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp, Tiền Giang cũng đang gặp khó khăn trong công tác này. BS Nguyễn Quốc Đạt, Trưởng khoa Phòng chống HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho biết, tại địa phương có 2 doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng chống HIV/AID là Niềm tin Sông Tiền và Bầu trời xanh. Trong đó, mới chỉ có Niềm tin Sông Tiền tham gia cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS theo đề án thí điểm hợp đồng xã hội từ tháng 10/2022.

Bầu trời xanh hiện nay chưa tham gia hình thức hợp đồng xã hội vì doanh nghiệp này có trụ sở ở TPHCM và hoạt động chủ yếu tại đó.

BS Nguyễn Quốc Đạt cho biết, vướng mắc trong thủ tục đấu thầu để thực hiện mô hình này là theo quy định, phải có ít nhất 3 đơn vị tham gia đấu thầu trong khi nhiều địa phương chỉ có 1 doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Như tại Tiền Giang, cũng chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Khi đấu thầu, chỉ có doanh nghiệp của Tiền Giang có thể tham gia. Đơn vị có trụ sở ở TPHCM không thể nắm rõ địa bàn để triển khai các hoạt đồng hoặc khi xuống Tiền Giang triển khai thì giá dịch vụ phải cao hơn các đơn vị trong tỉnh nên cũng là bất lợi. Vì thế, tỉnh lại quay về cơ chế là đặt hàng doanh nghiệp xã hội hoặc các tổ chức cộng đồng cung cấp dịch vụ.

Theo BS Đạt, mô hình hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS mang lại nhiều hiệu quả. Các doanh nghiệp tham gia hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS được giao chỉ tiêu nên hiệu quả đo được khá rõ rệt. Tuy nhiên, BS Đạt cho biết, hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS vẫn đang ở giai đoạn thí điểm nên cần có văn bản chính thức từ các cấp trên để địa phương có căn cứ xây dựng kinh phí hoạt động.

Về phía các tổ chức dựa vào cộng đồng, họ cũng đang phải đối mặt với một số rào cản về mặt pháp lý trong việc tiếp cận mô hình hợp đồng xã hội.

Tại Điện Biên, BS Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, các tổ chức nhỏ lẻ, không có tư cách pháp nhân. Vì thế, năng lực, chuyên môn, kỹ năng của nhóm cộng đồng trong việc tham gia triển khai các hoạt động trong can thiệp phòng chống HIV/AIDS cũng có những hạn chế.

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương đánh giá chương trình thí điểm mô hình hợp đồng xã hội là một tiền đề quan trọng trong việc chuyển dịch từ nguồn hỗ trợ quốc tế sang nguồn ngân sách nhà nước trong những năm tới; cung cấp các bằng chứng cho việc vận động chính sách nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho các tổ chức xã hội tham gia hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này vẫn còn những rào cản ban đầu, cần sự chung tay của các bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp xã hội.

Chương trình thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã cho thấy những bước tiến quan trọng của Việt Nam hướng đến kiểm soát dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Đây cũng là một tiền đề quan trọng trong việc chuyển dịch từ nguồn hỗ trợ quốc tế sang nguồn ngân sách nhà nước trong những năm tới.

Thùy Chi

Top