Đẩy mạnh tuyên truyền, lập khu phố kiểu mẫu để hạn chế, phòng ngừa mại dâm

16/08/2023 15:31

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, các địa phương luôn tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; đồng thời giúp người bán dâm nhận thức, tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội để tránh đi vào con đường cũ, tái hòa nhập cộng đồng.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước ước có hơn 7.500 người bán dâm. Trong đó số người bán dâm được thống kê qua xử phạt, hỗ trợ xã hội, y tế... là 2.116 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều, do tính di biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm.

Hoạt động mại dâm tại nơi công cộng có xu hướng giảm mạnh thay bằng nhiều phương thức hoạt động kín đáo. Tình trạng mại dâm trá hình "núp bóng" trong cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, nhất là các khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort; có sự đan xen giữa tổ chức mua bán dâm và sử dụng trái phép các chất ma túy. Đáng chú ý, nhiều đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam góp vốn mở cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ nghi vấn hoạt động mại dâm.

Mại dâm biến tướng theo "hợp đồng", đường dây "gái gọi" diễn ra tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài với nhiều hình thức, như: Núp dưới danh nghĩa thuê người yêu, tour du lịch để tổ chức hoạt động mua bán dâm; có sự tham gia của học sinh, sinh viên, người mẫu, diễn viên; mại dâm nam, mại dâm đồng tính nam xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm. Đã xuất hiện đường dây bán dâm do người nước ngoài tổ chức, gái bán dâm là người nước ngoài.

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, các đối tượng bán dâm lợi dụng mạng Internet, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín để đăng tải thông tin, hình ảnh giới thiệu, tiếp thị, thoả thuận mua - bán dâm. Việc thanh toán có cả bằng tiền ảo, qua trung gian thanh toán, tài khoản ngân hàng không chính chủ, nạp tiền qua các đại lý game online. Hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm trên các tuyến biên giới, vùng biển tiềm ẩn diễn biến khó kiểm soát.

Đẩy mạnh tuyên truyền, lập khu phố kiểu mẫu để hạn chế, phòng ngừa mại dâm - Ảnh 1.

TPHCM tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm. Ảnh: Báo Dân sinh

 Đẩy mạnh tuyên truyền

Trước tình hình như vậy, với phương châm "Phòng ngừa là chính", các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn ở TPHCM đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm và phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong Nhân dân gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương của TPHCM đã xây dựng và phát hành hơn 936 nghìn bản tin, tài liệu, pano, áp phích, tờ rơi, tờ bướm, phát thanh, xe loa lưu động thực hiện truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm tại cộng đồng; tổ chức hơn 2,3 nghìn buổi tuyên truyền (tuyên truyền trực tiếp và trên group Zalo của các khu phố, tổ dân phố) thu hút gần 130 nghìn lượt người tham dự. Có 42 nghìn lượt người có nguy cơ cao tham gia tệ nạn mại dâm được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống mại dâm (trong đó có 2,7 nghìn lượt người lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; trên 10 nghìn lượt người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và gần 29 nghìn lượt học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc trên địa bàn Thành phố).

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với người lao động đang làm việc tại cơ sở và thực hiện việc ký bản cam kết với Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn không để tệ nạn mại dâm và các hành vi khiêu dâm, kích dục xảy ra tại cơ sở kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2023,UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố đã vận động 4.195/4.553 cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện ký bản cam kết (chiếm tỷ lệ 92,13%).

Trong thời gian qua, các cơ quan báo, đài Thành phố đã có nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm. Thông tin kịp thời về thực trạng tệ nạn mại dâm đã và đang diễn ra trong cộng đồng, phản ánh về các loại hình mại dâm, các "Điểm nóng" trên địa bàn để người dân hiểu và tích cực chung tay phòng, chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đồng thời, báo chí còn ghi nhận những mặt tích cực, đó là tuyên dương các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống mại dâm, ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng,...

Ngoài ra, báo chí cũng tuyên truyền về những khó khăn, bất cập trong quá trình xử lý vi phạm của các ngành chức năng đối với loại hình dịch vụ cho thuê lưu trú theo giờ, ngắn ngày; đường dây trả hình mua bán dâm dưới hình thức "Sugar baby - sugar daddy"; những bất cập trong quy trình xử lý vi phạm, các tiềm ẩn nguy cơ về tội phạm mại dâm cũng như những khó khăn về thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất về việc xử lý mại dâm nam, mại dâm đồng tính,...

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đài Phát thanh, Đài Truyền hình trên địa bàn Thành phố lồng ghép công tác tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm và các tệ nạn xã hội trong các chương trình Thời sự của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố trên kênh AM610KHz; kênh Kinh tế FM 87.7MHz; kênh FM99.9MHz (chương trình "An ninh và Đời sống" phát sóng lúc 11g30 - 12g00 thứ 5 hàng tuần; "Công dân và Pháp luật" phát sóng lúc 10g00 - 10g30 thứ 6 hàng tuần; "Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề" phát sóng lúc 10g00 - 10g30 Chủ nhật hàng tuần),...

Phối hợp Đài Truyền hình lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy trong các chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Thành phố được phát trên kênh HTV9; chương trình "60 giây" (kênh HTV9 và HTV7); chương trình "Chuyện trưa 12 giờ" (kênh HTV9 và HTV7); chương trình "Tiêu điểm 247" (kênh HTV9 và HTV7). Các chương trình, phóng sự chuyên đề, chuyên mục tiêu biểu được phát trên kênh HTV Key như: chương trình "Giáo dục hướng nghiệp" (phát sóng thứ 4 hàng tuần lúc 16g40); "Cảnh báo an toàn sống" (phát sóng thứ 4 hàng tuần lúc 20g30); "Chính sách và Đời sống" (phát sóng thứ 7 hàng tuần lúc 16g00 và Chủ nhật hàng tuần lúc 8g20),...

Có thể nói thời gian qua, công tác phối hợp phòng ngừa vi phạm và tội phạm về tệ nạn mại dâm được các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương triển khai, thực hiện một cách đồng bộ. Lực lượng công an các cấp đã phối hợp tốt với các ban, ngành có liên quan trong việc truy quét, khám phá các vụ vi phạm, phạm tội về mại dâm, đồng thời tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án mại dâm, đảm bảo xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án mại dâm.

Thành lập các Tổ dân phố kiểu mẫu, nêu gương lối sống lành mạnh

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, Thành phố đã tổ chức tập huấn kỹ năng thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng cho tuyên truyền viên mô hình tổ dân phố, thôn, xóm văn hóa kiểu mẫu cho hơn 100 cán bộ Hội.

Theo đó, mô hình “Tổ dân phố kiểu mẫu” được vận hành khi các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân trong tổ dân phố, thôn thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, ưu tiên tập trung vào những điều nên và không nên làm…

Đáng chú ý, triển khai Cuộc vận động phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp giai đoạn 2022-2026, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phấn đấu 100% cơ sở Hội tuyên truyền tới 90% cán bộ, hội viên phụ nữ về nội dung cuộc vận động; mỗi cơ sở Hội xây dựng ít nhất 1 mô hình vận động phụ nữ ứng xử đẹp, thực hiện nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh…; ngăn ngừa tệ nạn mại dâm, ma túy, nêu gương lối sống lành mạnh.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng thường xuyên tổ chức tập huấn về tình hình mại dâm, công tác phòng ngừa mại dâm trên địa bàn. Tại các cuộc tập huấn, hội viên phụ nữ được nắm bắt kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn cho người dân; vai trò của phụ nữ trong việc phối hợp cảm hóa người bán dâm, hỗ trợ tư vấn tâm lý, giới thiệu việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống... Thông qua lớp tập huấn, cán bộ hội phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng phòng ngừa mại dâm; vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm trong xã hội.

Tại Hải Phòng, bên cạnh công tác tuyên truyền, Thành phố cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố phối hợp chặt chẽ cùng Đội kiểm tra liên ngành 178 các quận, huyện, tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Đặc biệt, các ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai duy trì và thực hiện một số hoạt động của Mô hình can thiệp, giảm tác hại trong phòng, chống mại dâm theo hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH tại Quyết định số 1875/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2018 về ban hành Khung định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Vĩnh Hoàng

Top