Cao điểm xử lý ‘ma men’, ma túy: Áp dụng tình tiết tăng nặng với trường hợp tái phạm

01/03/2022 11:25

(Chinhphu.vn) - Khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cao điểm xử lý ‘ma men’, ma túy: Áp dụng tình tiết tăng nặng với trường hợp tái phạm - Ảnh 1.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an)

Từ hôm nay (1/3), Bộ Công an mở cao điểm xử lý vi phạm ma túy, nồng độ cồn năm 2022. Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an). 

Tình trạng lái xe sử dụng ma túy trong thời gian qua đã khiến dư luận bức xúc và lo lắng. Trên thực tế, có những tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong liên quan đến lái xe sử dụng ma túy. Bà có thể phân tích rõ hơn việc lái xe sử dụng ma túy đối với an toàn giao thông? 

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, thực trạng lái xe sử dụng ma túy vẫn còn diễn ra, nhiều vụ tai nạn xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe "phê" ma túy nên đã không làm chủ được tay lái. Do khoán sản phẩm hàng hóa, nhất là vào các dịp cuối năm hoặc chiến dịch vận chuyển hàng hóa… nên đã gây áp lực cho lái xe, trong đó có cả lái xe container, xe siêu trường, siêu trọng, xe tải… 

Mặt khác, lái xe muốn chạy tăng chuyến, tăng ca, tăng hàng hóa, lái xe chạy đường dài, đường trường, chạy ban đêm dẫn đến mệt mỏi. Để có "sức khỏe" lái xe sử dụng chất kích thích, ma túy tổng hợp vì họ coi đó là thuốc "an thần" để giữ tỉnh táo khi làm việc.

Nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức của một bộ phận lái xe còn hạn chế về hậu quả tác hại của ma túy và chất kích thích. Họ cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp, các chất kích thích sẽ giúp lái xe có sức khỏe, bền bỉ trong qua trình điều khiển phương tiện giao thông. Điều này rất nguy hiểm đối với lái xe như ảnh hưởng thể chất, tinh thần nhất là não bộ sẽ bị ảo giác và không làm chủ được quá trình điều khiển phương tiện giao thông trên đường của lái xe và là nguy cơ hiện hữu gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng. 

Mặc dù mức xử phạt cao nhất đối với lái xe trong cơ thể có chất ma túy đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều lái xe vi phạm.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, từ hôm nay (1/3), lực lượng CSGT toàn quốc ra quân thực hiện chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn và ma túy trong cả năm 2022. Vậy điểm nổi bật của cao điểm này là gì, thưa bà?

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Qua phân tích, đánh giá, việc lái xe sử dụng ma túy và các chất kích thích khác là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, Cục Cảnh sát giao thông đã tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc huy động trang thiết bị, phương tiện, kĩ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn và ma túy để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông. Kế hoạch được thực hiện bắt đầu từ hôm nay (1/3) tới cho đến hết ngày 31/12/2022.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng sẽ chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác; đánh giá đúng thực trạng nhằm đưa ra các biện pháp quản lý, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Lực lượng chức năng sẽ khảo sát, nắm tình hình tuyến, địa bàn giao thông, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, tụ điểm về ma túy, để xác định quy luật hoạt động, thời điểm có nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng chất ma túy, rượu, bia cũng như phân tích kỹ nguyên nhân, đối tượng, tuyến, địa bàn, khung thời gian thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông, đặc biệt các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy để xây dựng phương án bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời rà soát, nắm tình hình các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương, xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Giao thông vận tải kiểm tra lái xe vi phạm về ma túy, việc khám sức khỏe định kỳ cho lái xe tại các cơ sở kinh doanh vận tải. Đề nghị các cơ sở kinh doanh vận tải kiên quyết không sử dụng lái xe sử dụng chất ma túy; phải kiểm tra việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác trước khi giao phương tiện cho lái xe.

Hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, đề nghị dư luận đồng tình ủng hộ, giúp đỡ lực lượng cảnh sát giao thông khi thi hành nhiệm vụ, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia giao thông. Đối với các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác phải kiên quyết xử lý nghiêm.

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông cũng sẽ chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại…

Đặc biệt, trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm lực lượng chức năng sẽ tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19, quy trình công tác, thao tác sử dụng thiết bị...bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cán bộ chiến sỹ và người tham gia giao thông.

Đối tượng thực hiện kiểm soát trong chuyên đề bao gồm người điều khiển xe mô tô, ô tô con, ô tô chở khách, ô tô tải, xe contener, xe ô tô kéo rơ mooc hoặc sơ mi rơ mooc...

Cao điểm xử lý ‘ma men’, ma túy: Áp dụng tình tiết tăng nặng với trường hợp tái phạm - Ảnh 2.

Lực lượng CSGT liên tiếp phát hiện các trường hợp lái xe dương tính với ma túy trên các tuyến cao tốc

Để ngăn ngừa tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, ma túy bà có đề xuất gì với các bộ, ngành cũng như doanh nghiệp vận tải?

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ thực hiện chuyên đề này một cách nghiêm túc, linh hoạt, hiệu quả, có tác dụng răn đe, giáo dục để tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của nhân dân; đồng thời, phát hiện những tồn tại, bất cập và kiến nghị các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông với các ban ngành có liên quan.

Đặc biệt, khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy, lực lượng chức năng sẽ tổ chức xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú để có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy; kiến nghị với ngành giao thông vận tải có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Bộ Công an cũng yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ tập trung điều tra, làm rõ các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng chất ma túy, rượu bia và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, phục vụ cho công tác phòng ngừa xã hội.

Bên cạnh đó, chủ động rà soát, nắm tình hình các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn địa phương, xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Giao thông vận tải kiểm tra lái xe vi phạm về ma túy, việc khám sức khỏe định kỳ cho lái xe tại các cơ sở kinh doanh vận tải.

Các cơ quan truyền thông chủ động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia là các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với vi phạm này; tạo dư luận đồng tình ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Cảnh sát giao thông khi thi hành nhiệm vụ, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia giao thông.

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, cần tăng cường biện pháp quản lý lái xe của doanh nghiệp, kiên quyết không sử dụng lái xe sử dụng chất ma túy; phải kiểm tra việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác trước khi giao phương tiện cho lái xe; thường xuyên thực hiện công tác khám sức khỏe.

Với các Trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe phải thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác đào tạo nhằm bảo đảm học viên có đầy đủ kiến thức, kĩ năng khi điều khiển phương tiện.

Ngành Giáo dục đưa giáo dục an toàn giao thông vào chương trình chính khóa nhằm giúp các em học sinh hiểu biết các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức của các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trân trọng cảm ơn Thượng tá!

Theo Cục Cảnh sát giao thông, sau 02 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội phục vụ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội đầu xuân năm 2022 (từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/02/2022), lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước đã phát hiện 26.994 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 225 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.

Hoàng Giang (thực hiện)

Top