Cần Thơ triển khai hiệu quả các sáng kiến về phòng, chống HIV/AIDS

28/12/2023 19:46

(Chinhphu.vn) - Cần Thơ là một trong những địa phương tiên phong và triển khai hiệu quả áp dụng sáng kiến mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hơn 8 nghìn người được tiếp cận xét nghiệm HIV nhờ sáng kiến thí điểm

TS Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) đánh giá: Cần Thơ luôn là điểm sáng trong triển khai các thí điểm, mô hình mới trong phòng, chống HIV/AIDS. Nhớ lại khoảng những năm 1996-2000, dịch lây nhiễm HIV, chủ yếu trong nhóm phụ nữ bán dâm, Cần Thơ đã triển khai chương trình bao cao su rất tốt với con đường bao cao su, phát bao cao su miễn phí cũng như tiếp thị xã hội. Từ đó đã khống chế tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm.

Cần Thơ triển khai hiệu quả các sáng kiến về phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho nhóm MSM tại Cần Thơ. Ảnh: Thùy Chi

Từ những kinh nghiệm đã đạt được, Cần Thơ tiếp tục duy trì công tác phòng, chống dịch và cùng với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức quốc tế, triển khai hàng loạt các thí điểm, sáng kiến mới như điều trị 2.0, triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV, ước tính quần thể nguy cơ cao, các cuộc khảo sát ứng dụng triển khai hệ thống quản lý thông tin người nhiễm HIV, phần mềm HIV 4.1...

Còn đối với các hoạt động thí điểm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phối hợp Cần Thơ triển khai thí điểm hoạt động tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm cho đội ngũ nhân viên không chuyên thực hiện triển khai từ năm 2017 đến nay.

Thí điểm xét nghiệm tại cộng đồng và tư vấn xét nghiệm với mục tiêu tăng tỉ lệ đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng được tiếp cận với xét nghiệm HIV. Tháng 2-2017, thí điểm được triển khai tại 4 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn. Các nhân viên tiếp cận cộng đồng giới thiệu dịch vụ qua Zalo, Facebook… và cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV qua 2 hình thức. Hình thức thứ nhất do nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện hoặc hướng dẫn khách hàng thực hiện. Sau 20 phút có kết quả, nếu kết quả không có phản ứng, tư vấn khách hàng các biện pháp dự phòng. Nếu kết quả có phản ứng, tiếp tục tư vấn làm xét nghiệm khẳng định HIV. Nếu kết quả khẳng định dương tính, tư vấn điều trị ARV. Hình thức thứ hai là khách hàng tự thực hiện xét nghiệm HIV tại nhà. Khách hàng đọc kết quả và báo cho nhân viên tiếp cận cộng đồng tư vấn các bước tiếp theo.

Kết quả từ tháng 2-2017 đến tháng 12-2021 đã xét nghiệm cho 8.015 khách hàng. Qua đó phát hiện 371 trường hợp nhiễm HIV và đưa vào điều trị ARV 367 trường hợp. Từ tháng 3-2023 đến tháng 11-2023, 405 khách hàng xét nghiệm HIV; phát hiện 25 trường hợp dương tính và đưa 24 trường hợp điều trị ARV. Các trường hợp dương tính, tư vấn để họ thông báo cho đối tác/bạn tình, bạn chích để tư vấn, xét nghiệm. Mô hình này được đánh giá là rất hiệu quả vì tính thân thiện, miễn phí, bảo mật với nhóm nguy cơ cao và ngại đến cơ sở y tế xét nghiệm.

Thí điểm triển khai cung cấp bộ dụng cụ tự xét nghiệm HIV qua mạng

Không chỉ đẩy mạnh chương trình xét nghiệm HIV trong cộng đồng, TP Cần Thơ còn là 1 trong 3 tỉnh, thành thí điểm triển khai cung cấp bộ dụng cụ tự xét nghiệm HIV qua trang: https://tuxetnghiem.vn nhằm tăng tỉ lệ người có nguy cơ cao được xét nghiệm HIV.

TS Nguyễn Thị Thúy Vân, Cán bộ kỹ thuật WHO tại Việt Nam cho biết: Các bạn cộng đồng rất thích tiếp cận dịch vụ qua website, nhất là các bạn ngại đến cơ sở y tế. Họ có thể ngồi ở nhà đặt test và test chuyển đến tận nhà. Khi có kết quả test, các bạn gởi lên hệ thống. Nếu kết quả âm tính, chuyển gởi điều trị PrEP. Có phản ứng, chuyển xét nghiệm khẳng định HIV và điều trị. Mô hình này đã được nhân rộng 28 tỉnh, thành tại Việt Nam với sự hỗ trợ WHO, Quỹ toàn cầu, kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR).

Website https://tuxetnghiem.vn khai trương ngày 29-10-2020, tính đến 9-12-2023 đã có 4.206 lượt khách hàng đánh giá nguy cơ. Tổng đơn hàng 4.297, giao hàng thành công 4.017 đơn. Trung bình 110 đơn/tháng. Kết quả có gần 92% khách hàng gởi kết quả về hệ thống. Trong đó 134 khách hàng, chiếm 3,7% có phản ứng. Khách hàng tiếp tục được tư vấn, xét nghiệm khẳng định, kết nối điều trị dự phòng PrEP (âm tính), ARV (dương tính).

Ngoài ra, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, WHO và CDC Cần Thơ phối hợp nghiên cứu sự lựa chọn và duy trì điều trị dự phòng (PrEP) hằng ngày và theo tình huống tại TP Cần Thơ. Nghiên cứu được triển khai nhằm giúp cho chương trình quốc gia có thêm thông tin về triển khai PrEP, đặc biệt là PrEP theo tình huống. Nghiên cứu triển khai tại tất cả các phòng khám PrEP tại TP Cần Thơ từ tháng 5-2020 đến tháng 4-2021.

Kết quả 926 cá nhân có nguy cơ nhiễm HIV cao đăng ký PrEP và tham gia nghiên cứu. Qua đó, có 72,7% chọn PrEP hằng ngày và 27,3% chọn PrEP tình huống. Lý do chọn PrEP hằng ngày theo kết quả khảo sát là do có nhiều bạn tình, không có kế hoạch quan hệ tình dục trước; chọn PrEP tình huống do dễ uống, tiện lợi hoặc muốn thử cho biết.

Qua kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị: Nhóm sử dụng PrEP chủ yếu ở nhóm trẻ tuổi vì thế cần được hỗ trợ tích cực và tạo môi trường thân thiện với khách hàng; tăng cường hỗ trợ cho khách hàng PrEP trong 3 tháng đầu cũng như hỗ trợ khách hàng mới.

Đánh giá tính khả thi và hiệu quả tích hợp xét nghiệm đo tải lượng HCV

Trong năm 2023, WHO cũng phối hợp CDC Cần Thơ triển khai hoạt động mới. Ðó là nghiên cứu thí điểm đánh giá tính khả thi và hiệu quả tích hợp xét nghiệm đo tải lượng HCV (viêm gan C) và HIV trên hệ thống gene Xpert hiện có tại Cần Thơ. Thời gian từ tháng 3-2022 đến tháng 12-2024 tại Bệnh viện Ða khoa quận Thốt Nốt. Qua 9 tháng triển khai, đã tập huấn xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị viêm gan C; xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C cho 51 người; chẩn đoán và điều trị cho 35 bệnh nhân.

TS Nguyễn Thị Thúy Vân, Cán bộ kỹ thuật WHO tại Việt Nam, cho biết: "Hiện nay viêm gan C, điều trị trong vòng 12 tuần, khỏi hoàn toàn. Quỹ toàn cầu hỗ trợ thuốc miễn phí. Tuy nhiên, người bệnh tiếp cận với chẩn đoán và điều trị còn hạn chế do xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C để chẩn đoán trước khi điều trị không phải cơ sở y tế nào cũng làm được. Hiện nay, chủ yếu ở cơ sở y tế tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, thành phố thực hiện. Làm thế nào người dân tiếp cận xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C này. Chúng tôi mong muốn đem xét nghiệm này xuống tận tuyến huyện với việc sử dụng máy gene Xpert. Hiện nay, máy này đang được sử dụng chẩn đoán lao".

Ngoài các thí điểm trên, WHO còn hỗ trợ sinh phẩm cho các trạm y tế ở TP Cần Thơ hoạt động xét nghiệm nhanh 3 bệnh: HIV, viêm gan B và giang mai cho phụ nữ mang thai nhằm tiến tới loại trừ lây truyền 3 bệnh này từ mẹ sang con.

Kết quả thực hiện thí điểm của Cần Thơ được WHO đánh giá cao và đây còn là bài học kinh nghiệm để nhân rộng. Theo TS Nguyễn Thị Thúy Vân, Cần Thơ được rất nhiều đối tác đặt niềm tin vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với nỗ lực rất lớn từ Sở Y tế thành phố, CDC Cần Thơ, đặc biệt là các bạn ở các tổ chức cộng đồng. Những kết quả mà Cần Thơ đã đạt được góp phần chung tay với ngành y tế hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Thùy Chi

Top