Cần tập trung giám sát, bảo vệ trẻ em với phạm vi rộng

03/06/2019 15:50

Gần 80% đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua chương trình giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Sáng 3/6, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu về lựa chọn chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 9 - năm 2020. Kết quả, có 386 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) đồng tình chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến ngày 23/3/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.

Dựa trên các kiến nghị, đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các chuyên đề giám sát cần tập trung gồm việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Đồng tình lựa chọn chuyên đề thứ nhất, đại biểu Tô Văn Tám (Kom Tum) cho rằng, trẻ em chiếm 1/4 dân số, là hạnh phúc gia đình và tương lai đất nước nên cần được chăm sóc và tạo môi trường lành mạnh, hạnh phúc, phát triển cả thể chất và trí tuệ.

Đại biểu Tô Văn Tám lo ngại tình hình trẻ em bị bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục với hàng nghìn vụ thời gian qua nhưng vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng.

"Có 1,75 triệu trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành phải lao động rẻ mạt, thời gian làm việc bị ép làm việc từ 1-12 tiếng và bị bóc lột. Trẻ em còn bị buôn bán người, trong và ngoài nước, nhiều trẻ em bị bỏ rơi vô thừa nhận", đại biểu Tám đề nghị hoạt động giám sát cần tập trung vào công tác bảo vệ trẻ em với phạm vi rộng.

Chia sẻ ý kiến này, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) đặt vấn đề là hiện nay Luật Trẻ em chưa được thực hiện đầy đủ. Hoạt động giám sát cần cần đặt ra trách nhiệm của các cơ quan ban ngành từ trung ương đến cấp xã trong việc giám sát và bảo vệ trẻ em.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận định, thực tế thời gian qua có nhiều đoàn giám sát đi rất đông, hơn chục xe, nhưng hiệu quả không cao. Nhiều đoàn đi địa phương không thể hiện đúng tinh thần giám sát tối cao.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chỉ ra rằng quá trình tham gia giám sát cho thấy đại biểu Quốc hội nhiều việc, khó đi lâu được, nên cũng khó làm nhiều, biết nhiều, trong khi lại có quá ít đại biểu chuyên trách. Do đó, các địa phương và bộ ngành cần hợp tác nghiêm túc, đầy đủ hơn. Nơi nào chuẩn bị tốt thì đoàn giám sát hiểu và nắm bắt thông tin tốt hơn.

Bên cạnh đó, khi có kết luận của đoàn giám sát thì các cơ quan chức năng phải triển khai thực thi, trong đó lãnh đạo phải gương mẫu thực hiện chất vấn của Quốc hội.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật liên quan đến công tác quản lý báo chí nhằm đưa lĩnh vực này hoạt động hiệu quả hơn.

Đại biểu Cà Mau phản ánh không ít nơi có hiện tượng ngăn cản, né tránh sự điều trần của báo chí. Thậm chí một số cơ quan đơn vị, cá nhân còn cố tình ngăn cản, hành hung phóng viên khi tác nghiệp đúng luật.

Theo ông Lê Thanh Vân, việc giám sát này có thể do Ủy viên Thường vụ Quốc hội thực hiện, hoặc giao cho Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Top