Cần tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS

25/08/2023 14:07

(Chinhphu.vn) - Ths.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, vai trò của các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng là không thể thiếu, đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống HIV và bảo đảm các kết quả bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Các tổ chức xã hội có thể đóng góp từ 25-50% trong việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

Trong nhiều năm qua Việt Nam đã triển khai toàn diện các hoạt động can thiệp phòng chống HIV/AIDS, trong đó có các hoạt động can thiệp giảm hại, vì thế những người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, người bán dâm hay nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, bạn tình của người nhiễm HIV có thể dễ dàng nhận được các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS bao gồm bơm kim tiêm, bao cao su, methadone, xét nghiệm cộng đồng, thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), kết nối điều trị ARV/PrEP và hỗ trợ tuân thủ điều trị.

Cần tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS - Ảnh 1.

Ths.BS Võ Hải Sơn cho biết, vai trò của các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng là không thể thiếu trong công tác phòng, chống HIV.Ảnh: Thùy Chi

Nhờ tích cực triển khai các hoạt động can thiệp vào nhóm có hành vi nguy cơ cao, nước ta đã từng bước kiểm soát được dịch HIV. Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội, bao gồm các tổ chức phi chính phủ trong nước, doanh nghiệp xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Ths.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, các hoạt động can thiệp giảm hại đóng vai trò quan trọng để bảo vệ kết quả bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chẳng hạn như biện pháp phân phát bơm kim tiêm sạch cho người sử dụng ma túy, bao cao su cho người quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm.

Có thể nói, tại nước ta các tổ chức xã hội, nhóm cộng đồng là những người trực tiếp tham gia cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV cho nhóm hành vi nguy cơ cao. Họ được ví như như những cánh tay nối dài của nhân viên y tế, triển khai những công việc mà nhân viên y tế ít có lợi thế hơn để từng bước góp phần kiểm soát dịch HIV tại địa bàn mình sinh sống.

Ths.BS Võ Hải Sơn cho biết, những năm gần đây, các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng đã tham gia mạnh mẽ các dịch vụ cung cấp các hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng để tìm các ca nhiễm HIV. Việc triển khai sớm xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho người nguy cơ cao có các tổ chức xã hội tại cộng đồng có thể dễ dàng tiếp cận nhóm nguy cơ cao, đa phần họ cũng chính là những người nguy cơ cao nên họ dễ dàng tư vấn, thuyết phục được những người nguy cơ cao sớm làm xét nghiệm HIV. Do đó, các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong việc làm giảm số người lây nhiễm HIV ở Việt Nam hiện nay.

Cần đẩy mạnh các dịch vụ phòng, chống HIV chủ động

Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức xã hội có thể đóng góp từ 25-50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Với đặc thù của dịch HIV tại Việt Nam, nhiều người nhiễm thuộc nhóm nghiện chích ma túy, người bán dâm…, họ sợ bị phân biệt kỳ thị nên thường ngại đến các cơ sở y tế công lập. Do vậy, theo Ths.BS Võ Hải Sơn, hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận hơn với các đối tượng này so với các tổ chức xã hội.

Ths.BS Võ Hải Sơn cho biết, các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV một cách thụ động, còn đối với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai do các tổ chức dựa vào cộng đồng được triển khai một cách chủ động. Các nhóm tổ chức dựa vào cộng đồng chính là những người sống trong cộng đồng người nguy cơ nhiễm HIV, họ sẽ giúp cho những người nguy cơ cao tiếp cận được các dịch vụ phòng, chống HIV, giúp người nhiễm HIV sớm phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận điều trị HIV sớm.

Những người nguy cơ cao không cần đến các cơ sở y tế vẫn có thể nhận được các dịch vụ y tế chủ động. Tuy nhiên, các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng cần hoạt động tuân thủ theo quy trình, quy định của pháp luật nhà nước đã đưa ra.

Từ trước tới nay hoạt động của các tổ chức xã hội hay các nhóm dựa vào cộng đồng đều phần lớn nhờ vào ngân sách tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay và trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế tiếp tục cắt giảm hỗ trợ tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Vì vậy cần có cơ chế bền vững để duy trì các hoạt động này.

Cần tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS - Ảnh 3.

Xét nghiệm nhanh HIV tại cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Hiện một số quốc gia đã sử dụng hình thức "Hợp đồng xã hội" để huy động các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS thông qua việc sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.

Tại Việt Nam, ngày 29/11/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt "đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024. Đề án đã được triển khai thí điểm tại 9 tỉnh: Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Dương, Hải Phòng và Điện Biên.

Trong bối cảnh nước ta khó có thể đạt được mục tiêu tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 như chiến lược quốc gia đã đề ra, Ths.BS Võ Hải Sơn cho rằng, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các nước để duy trì, nhân rộng và tạo điều kiện và để các tổ chức xã hội, tiếp tục cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS thông qua hình thức hợp đồng xã hội, bởi họ là nhóm khó có thể thay thế trong việc tìm, phát hiện ca nhiễm mới và can thiệp dự phòng HIV trong bối cảnh dịch vẫn chưa được khống chế như hiện nay. Các tổ chức xã hội có vai trò vượt trội so với cơ sở y tế trong các hoạt động này.

Ths.BS Võ Hải Sơn cho biết, nếu muốn sớm kết thúc được dịch bệnh AIDS thì những người nhiễm HIV cần được phát hiện sớm tình trạng bệnh và được điều trị sớm. Đặc biệt các nhóm nguy cơ cao cần phải được dự phòng, những dịch vụ phòng, chống HIV đều cần phải dựa vào các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng. Do vậy, vai trò của các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng là không thể thiếu, đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống HIV và bảo đảm các kết quả bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính trong 20 năm qua cả nước đã dự phòng cho hơn 400.000 nghìn người không bị nhiễm HIV và 150.000 nghìn người không bị tử vong do AIDS.

Nhờ tích cực triển khai các hoạt động can thiệp vào nhóm có hành vi nguy cơ cao, nước ta đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí. Đó là số người nhiễm mới HIV được phát hiện; số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số tử vong liên quan đến AIDS đều giảm.

Thùy Chi

Top