Bình Thuận: Tích hợp thông tin hơn 1.300 người nghiện, sử dụng ma túy vào cơ sở dữ liệu quốc gia

20/02/2024 16:34

(Chinhphu.vn) - Công an tỉnh Bình Thuận đã tích hợp thông tin của hơn 1.300 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người quản lý sau cai và người có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bình Thuận: Tích hợp thông tin hơn 1.300 người nghiện, sử dụng ma túy vào cơ sở dữ liệu quốc gia- Ảnh 1.

Công an tỉnh Bình Thuận tực tiếp triệt phá 514 vụ, 765 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy - Ảnh: Công an Bình Thuận

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Bình Thuận có 1.960 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (giảm 265 người so với năm 2022) và 858 người sử dụng trái phép chất ma tuý có hồ sơ quản lý (tăng 05 người so với năm 2022). Số người nghiện, người sử dụng ma túy ở độ tuổi từ 18-30 chiếm tỷ lệ cao (63,5%); số người nghiện dưới 18 tuổi thấp (34/2.818 chiếm 1,2%) tập trung ở các đô thị lớn như thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Tuy Phong.

Đáng chú ý, số người nghiện và người sử dụng ma túy tổng hợp hoặc sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy có xu hướng gia tăng, chiếm tỷ lệ cao (2.090/2.818, 74,1%), nhất là trong độ tuổi thanh niên. 

Trong năm 2023, Đảng ủy Công an tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an toàn tỉnh trực tiếp triệt phá 514 vụ, 765 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy, đề nghị khởi tố 515 vụ, 770 bị can phạm tội về ma túy. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bắt giữ, khởi tố và chuyển cơ quan điều tra Công an các cấp 34 vụ, 36 đối tượng. 

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị đã đề ra những giải pháp hữu hiệu, phù hợp với tình hình thực tế địa bàn; gắn công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp với việc triển khai thực hiện các chuyên đề đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy.

Kết quả đến nay, toàn tỉnh không có tụ điểm phức tạp về ma túy; 3/4 địa bàn được công nhận chuyển hóa thành công ở tất cả các tiêu chí phức tạp hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường; 100% số người trong nhóm nguy cơ cao, dễ mắc tệ nạn ma tuý được tuyên truyền, giáo dục kỹ năng về phòng, chống ma tuý. Đơn vị nghiệp vụ chuyên trách và lực lượng Công an cơ sở cũng thường xuyên nhiệm vụ thống kê, đánh giá tình hình, quản lý người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đặc biệt là từ đầu năm 2023, Công an cơ sở đã tích hợp thông tin 193 người nghiện, 782 người sử dụng trái phép chất ma túy, 299 người quản lý sau cai và 62 người có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” vào cơ sở dữ liệu quốc gia, nhằm có cơ sở đánh giá toàn diện thực trạng tình hình, đề xuất các giải pháp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy hiệu quả hơn…

Tuy nhiên dù đã có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế, công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đáng lưu ý là số xã, phường, thị trấn có ma túy trên địa bàn tỉnh còn nhiều (toàn tỉnh có 113/124 xã, phường, thị trấn, tăng 4 so với năm 2022). 

Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng trồng cây cần sa (đã phát hiện 2 vụ, 4 đối tượng, thu giữ 904 cây cần sa, khởi tố 1 vụ, 3 bị can). Công tác cai nghiện bắt buộc chưa bảo đảm cơ sở vật chất. Công tác quản lý người nghiện ngoài xã hội chưa chặt chẽ. Hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện còn thấp, tỷ lệ tái nghiện còn cao…

Dự báo trong thời gian tới, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tình trạng tội phạm lợi dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ để sản xuất các loại ma túy tổng hợp, ma túy “núp bóng” các loại thức ăn, nước uống ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Tình trạng lợi dụng những địa bàn rừng, núi, vùng sâu, vùng xa, khu bảo tồn thiên nhiên ít người đi lại để trồng cây cần sa vẫn có nguy cơ tái diễn. Tình hình tội phạm mua bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng hướng đến giới trẻ, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Tình trạng đối tượng nghiện ma túy vi phạm pháp luật, hoặc sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, “ngáo đá” thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có xu hướng gia tăng, là nguy cơ gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc và đe dọa cuộc sống bình yên của người dân.

Trước tình hình nêu trên, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Cấp ủy, chính quyền tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, gắn chặt với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống, kiểm soát ma túy, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài.

Trong năm 2024, các địa phương không để phát sinh tệ nạn ma túy tại 11 xã, phường, thị trấn còn lại. Đồng thời, phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có thêm ít nhất 1 xã (phường, thị trấn) không có tệ nạn ma túy.

Các đơn vị chức năng tập trung tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, mở rộng triệt để các vụ án để truy bắt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây mua bán, vận chuyển ma túy; Tiếp nhận, giải quyết nhanh các tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, không để tồn đọng, kéo dài.

Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, rà soát, phát hiện tình hình trồng và tái trồng cây cần sa ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhập, xuất, quản lý tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất ở các doanh nghiệp và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh…

Hoàng Giang

Top