Bảo đảm bền vững chương trình phòng, chống HIV/AIDS

26/03/2024 15:11

(Chinhphu.vn) - Hiện vẫn còn 7/63 tỉnh chưa phê duyệt được Kế hoạch bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS và 57% các tỉnh triển khai giải ngân thấp hơn so với dự toán được duyệt. Do đó, cần bảo đảm bền vững chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Lao và sốt rét do Quỹ toàn cầu tài trợ.

Bảo đảm bền vững chương trình phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm việc với một số tổ chức quốc tế về lộ trình bền vững của các chương trình phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét do Quỹ toàn cầu tài trợ tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa tổ chức cuộc họp với Chương trình Quỹ Toàn cầu Việt Nam, chuyên gia của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét; Điều phối chương trình PEPFAR Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về lộ trình bền vững của các chương trình phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét do Quỹ toàn cầu tài trợ tại Việt Nam.

Từ năm 2002, Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét được thành lập được thành lập theo đề nghị của Liên Hợp Quốc với nguồn vốn do các quốc gia tài trợ để hỗ trợ các nước trên toàn cầu nhằm mục tiêu chấm dứt ba bệnh HIV/AIDS, lao và sốt rét. Hiện nay, Qũy Toàn cầu là một trong những nguồn tài chính đáng kể và ổn định cho các nước đang phát triển trong việc hạn chế ảnh hưởng gây ra do AIDS, Lao và sốt rét, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc đề ra, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2013, khi Việt Nam ra khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp, nguồn hỗ trợ quốc tế bắt đầu cắt giảm. Chính phủ Việt Nam xác định huy động nguồn tài chính trong nước là chiến lược để bảo đảm tính bền vững cho chương trình HIV/AIDS. Quyết định 1899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Kế hoạch bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020 được ban hành mở ra thời kỳ chuyển đổi cơ cấu tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Đứng trước chặng đường bảo đảm tài chính bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự chủ tài chính. Vẫn còn 7/63 tỉnh chưa phê duyệt được Kế hoạch bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS và 57% các tỉnh triển khai giải ngân thấp hơn so với dự toán được duyệt.

Bà Lin Chun Liu, Giám đốc Điều phối chương trình PEPFAR Việt Nam cho rằng trong khi Việt Nam vẫn đang đứng trước khó khăn về y tế cũng như về tài chính, Việt Nam cần tận dụng nguồn viện trợ từ nước ngoài một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Đồng thời, bảo đảm bền vững chương trình phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét do Quỹ toàn cầu tài trợ.

Đưa ra một số giải pháp trước tương lai nguồn viện trợ các nhà tài trợ cắt giảm, TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ chức y tế Thế giới cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào một số hoạt động có hiệu quả cao, độ bao phủ rộng để đảm bảo hoat động phòng, chống HIV/AIDS được bền vững.

Các hoạt động đề xuất trong giai đoạn tới cần chú trọng toàn diện từ lĩnh vực can thiệp dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV đến nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS và loại bỏ các rào cản, bảo đảm quyền của các nhóm đối tượng được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách thuận lợi, công bằng và hiệu quả. Đối với việc cung ứng thuốc ARV, WHO sẽ có giải pháp hỗ trợ Việt Nam để có thể mua được thuốc ARV với giá tốt và sớm hơn.

Ông Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Dự án VUSTA cho rằng, để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, sự tham gia của cộng đồng cần phải được lồng ghép vào trong các kế hoạch của chương trình quốc gia từ khâu lập kế hoạch, xây dựng ngân sách, triển khai, theo dõi và giám sát.

Thêm vào đó, cần triển khai các hoạt động đã đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030: "Tạo môi trường chính sách và cơ chế tài chính thuận lợi cho các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, gồm cả từ ngân sách nhà nước"; Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội, vận động để các tổ chức xã hội tham gia có hiệu quả trong cung cấp các dịch vụ trong phòng, chống HIV/AIDS…

Thùy Chi

Top