Yên Bái: Đổi mới công tác cai nghiện để giảm tác hại của ma túy

30/10/2014 16:32

Tỉnh Yên Bái vừa phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh đến năm 2020, nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế gia tăng người nghiện mới, đồng thời góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao sức khỏe cho nhân dân và hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy giúp cải thiện sức khỏe và hòa nhập với cộng đồng

Theo đó, mục tiêu cụ thể của đề án nhằm nâng cao nhận thức cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 50% cán bộ chính quyền các cấp và 50% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp điều trị nghiện.

Trong giai đoạn 2014-2015, Yên Bái phấn đấu 50% cán bộ dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 50% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được cấp chứng chỉ; 60% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có văn bằng chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.

Bên cạnh đó, nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý từ trên 30,0% hiện nay lên 50% vào năm 2015 và nâng số người nghiện được điều trị thay thế bằng Methadone lên 1.200 vào năm 2015. Tăng tỷ lệ người nghiện hoà nhập cộng đồng có việc làm đạt 40% vào năm 2015.  

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu trên 75% cán bộ chính quyền các cấp và trên 75% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 75% cán bộ dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 80% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được cấp chứng chỉ.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý từ 50% vào năm 2015 lên lên 80% vào năm 2020; tăng dần số lượng, tỷ lệ người nghiện được điều trị thay thế bằng Methadone hàng năm; tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng tìm kiếm được việc làm từ 40% vào năm 2015 lên 70% vào năm 2020.  

Trong giai đoạn thực hiện đề án, tỉnh sẽ tập trung các hoạt động bao gồm: Duy trì Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh trở thành mô hình kiểu mẫu vừa chữa bệnh, vừa giáo dục, lao động và có thái độ ứng xử phù hợp với đối tượng theo đúng chính sách nhà nước.

Xây dựng phương án, lộ trình giảm dần tỷ lệ cai nghiện bắt buộc, tăng dần tỷ lệ cai nghiện tự nguyện với chỉ tiêu năm 2015 cai nghiện bắt buộc là 350, tự nguyện là 100 đối tượng. Đến năm 2020 cai nghiện bắt buộc là 250, tự nguyện là 200 đối tượng.

Duy trì các cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã có và thành lập mới các cơ sở điều trị Methadone tại Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế cấp huyện với quy mô từ 200- 300 bệnh nhân/01 cơ sở. Đồng thời, đảm bảo mỗi huyện có từ 01- 02 cơ sở điều trị Methadone tùy theo quy mô, số lượng người nghiện các chất dạng thuốc phiện của huyện để đến năm 2015 toàn tỉnh có 11 cơ sở điều trị Methadone.

Bên cạnh đó, thành lập các cơ sở cấp, phát thuốc thay thế vệ tinh từng bước phát triển thành điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ người nghiện tại cộng đồng gắn với trạm y tế cấp xã, vùng địa bàn rộng, nơi có nhiều bệnh nhân điều trị thay thế bằng Methadone…

Top