Ưu tiên công tác phòng, chống HIV/AIDS

25/01/2018 14:57

Năm 2018, cả nước sẽ phấn đấu giảm 13% số nhiễm HIV phát hiện mới qua tiêm chích ma túy so với năm 2015; 60.000 người nghiện chích ma túy tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone hoặc thuốc khác; 75% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV; 90% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy giúp giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung triển khai mở rộng các chương trình can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV; triển khai và mở rộng điều trị Methadone và thí điểm mở rộng điều trị Buprenorphine. Mở rộng xét nghiệm sàng lọc HIV, xét nghiệm tại cộng đồng và giám sát dịch HIV.

Hoàn thành kiện toàn các cơ sở điều trị HTV đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT và thực hiện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT.

Tăng số người nhiễm HIV được tiếp cận với điều trị ARV, bao gồm các trường hợp nhiễm HIV trong trại giam. Điều trị ARV sớm cho các trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, tiếp cận các ca nhiễm HIV chưa điều trị hỗ trợ kết nối với điều trị, triển khai các biện pháp duy trì điều trị ARV. Mở rộng xét nghiệm tải lượng HIV thường quy trong theo dõi điều trị ARV, giám sát tình trạng HIV kháng thuốc.

Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã, phường. Tiếp tục triển khai các can thiệp phối hợp trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng nhiễm Lao/HIV.

Tăng cường chất lượng công tác dự trù, điều phối, báo cáo, giám sát việc sử dụng thuốc ARV tại các cơ sở điều trị. Triển khai các biện pháp giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với HIV/AIDS. Tăng cường kết nối dự phòng, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc hỗ trợ người nhiễm thông qua sự phối hợp liên ngành và cộng đồng.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương lên kế hoạch rà soát, thống kê tất cả địa điểm triển khai các dự án viện trợ trên địa bàn. Chủ động cắt giảm các hoạt động không hiệu quả, tập trung, ưu tiên đầu tư cho các hoạt động dự phòng, điều trị có hiệu quả nhằm duy trì, bảo đảm tính bền vững của chương trình.

Chủ động lồng ghép các hoạt động, nguồn lực của chương trình, dự án trên địa bàn. Ưu tiên bố trí địa điểm, cơ sở vật chất và hỗ trợ cán bộ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bố trí nguồn lực địa phương để hỗ trợ cho mua thuốc điều trị, phụ cấp cho cán bộ và duy trì các hoạt động trực tiếp, hiệu quả của chương trình. Rà soát lại số lượng tuyên truyền viên đồng đẳng, tăng cường chất lượng hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng. Đối với triển khai điều trị Methadone, khuyến khích thực hiện việc xã hội hóa.

Đưa mục tiêu, nội dung phòng, chống HIV/AIDS là vấn đề ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tăng dần tỷ lệ đầu tư bằng ngân sách địa phương cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo tốc độ phát triển kinh tế của địa phương, phù hợp với lộ trình cắt giảm kinh phí của nhà tài trợ.
Top