Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phép tiếp cận ARV sớm hơn

03/06/2015 16:02

Thay vì trước đây chỉ điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con bắt đầu từ tuần thai thứ 14, quy định mới của Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho phép điều trị thuốc kháng virus ARV sớm hơn và áp dụng cho tất cả phụ nữ nhiễm HIV đang cho con bú.

 

Mục đích chính của thay đổi chỉ định điều trị nhằm hướng tiêu chí “điều trị như là biện pháp dự phòng”

Một số thay đổi chủ chốt trong tiêu chuẩn điều trị mới so với trước đây bao gồm: Nâng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV ở người lớn và trẻ trên 5 tuổi theo chỉ số CD4 từ 350 tế bào/mm3 thành 500 tế bào/mm3. Như vậy, bệnh nhân không phải chờ đến khi tế bào CD4 tụt xuống dưới mức 350 mới được chỉ định khởi động điều trị ARV. Điều này phù hợp với các công bố khoa học gần đây nhấn mạnh vai trò tích cực của điều trị ARV sớm trên người nhiễm HIV mang lại hiệu quả tích cực hơn.

Quy định điều trị ARV cho tất cả phụ nữ nhiễm HIV mang thai hay đang cho con bú thay vì hướng dẫn cũ khuyến cáo khởi động điều trị dự phòng mẹ con từ tuần thai thứ 14. Với thay đổi này, ngành y tế hy vọng đạt được một trong 3 mục tiêu chiến lược của công cuộc phòng chống HIV là “không có ca nhiễm mới”, đặc biệt trong nhóm trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virus HIV.

Việc mở rộng chỉ định điều trị ARV không dựa vào tiêu chuẩn CD4 cho các đối tượng là người có bạn tình hay vợ/chồng là người âm tính, bệnh nhân đồng nhiễm với viêm gan B,C, bệnh nhân nằm trong các nhóm nguy cơ cao là những người tiêm chích ma tuý, mại dâm, nam đồng giới.

Mục đích chính của thay đổi chỉ định điều trị nhằm hướng tiêu chí “điều trị như là biện pháp dự phòng”. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, việc tuân thủ điều trị ARV và khống chế tốt tải lượng virus HIV trong máu sẽ giúp làm giảm 96% khả năng lây nhiễm của người bệnh.

Với trẻ dưới 5 tuổi, chỉ định điều trị sẽ dành cho tất cả trẻ dưới 5 tuổi thay vì dùng mốc 2 tuổi như hướng dẫn cũ. Thay đổi này sẽ góp phần giảm tỷ lệ bệnh cơ hội cũng như tỷ lệ tử vong trên trẻ nhỏ nhiễm HIV.

Tiêu chuẩn điều trị mới này có giá trị tích cực cho mỗi cá nhân người nhiễm HIV, bởi điều trị ARV sớm cho hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV. Đây được xem là bước tiến quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020.
Top