Hướng dẫn thí điểm Nhóm hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS

26/08/2015 16:29

Nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực và đẩy mạnh hoạt động của Nhóm hỗ trợ kỹ thuật tại tuyến tỉnh, thành phố, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đang tiến hành hướng dẫn thí điểm tổ chức và hoạt động của Nhóm hỗ trợ kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố.

Tổ chức xét nghiệm nhiễm HIV cho cộng đồng - Ảnh minh họa

Các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh/thành phố được phân công theo dõi và điều phối toàn bộ việc triển khai dịch vụ cũng như hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo dịch vụ cung cấp đạt chất lượng. Do vậy, các hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các tỉnh/thành phố cần được tập hợp và điều phối bởi một đơn vị đầu mối là Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để đảm bảo sự đồng bộ và toàn diện về phòng, chống HIV.

Trong giai đoạn thí điểm Nhóm hỗ trợ kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố (Nhóm hỗ trợ kỹ thuật) sẽ ưu tiên tập trung vào 3 lĩnh vực: Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng các thuốc thay thế, Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; Tư vấn và Xét nghiệm HIV.

Mục tiêu chung của chương trình thí điểm nhằm bảo đảm sự bền vững, duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong địa bàn tỉnh/thành phố thông qua việc tập hợp các cán bộ có năng lực chuyên môn tốt hiện có tại địa phương nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở có cung cấp dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS trong phạm vi toàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể là mỗi tỉnh/thành phố được lựa chọn triển khai thí điểm sẽ thành lập được Nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh bao gồm các lĩnh vực đặc thù như: Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng các thuốc thay thế; điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; tư vấn và xét nghiệm HIV.

Thành viên Nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh sẽ được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về khoa học hỗ trợ kỹ thuật, phương thức xác định nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cũng như cung cấp, theo dõi, đánh giá hỗ trợ kỹ thuật và nhận hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ từ tuyến Trung ương (hỗ trợ lý thuyết, kỹ năng, phương pháp hỗ trợ kỹ thuật...).

Việc này sẽ giúp nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh có đủ năng lực để tự triển khai công tác hỗ trợ kỹ thuật tại địa phương. Bên cạnh đó, các tỉnh/thành phố triển khai thí điểm bố trí nguồn lực cho hoạt động của Nhóm hỗ trợ kỹ thuật. Đồng thời, tổ chức đánh giá, tổng kết và nhân rộng ra các tỉnh/thành phố có đủ tiêu chí và điều kiện.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tiêu chí lựa chọn tỉnh/thành phố triển khai thí điểm là các tỉnh/thành phố có hệ thống/mạng lưới cung cấp ít nhất 1 trong 3 dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS (điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng các thuốc thay thế; điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; tư vấn và xét nghiệm HIV) từ tuyến tỉnh đến huyện/xã, phường.

Bên cạnh đó, các cán bộ được đào tạo, năng lực chuyên môn tốt trong các lĩnh vực chuyên môn cần hỗ trợ kỹ thuật, đã từng tham gia các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, Sở Y tế/Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đó phải sẵn sàng triển khai hoạt động thí điểm hỗ trợ kỹ thuật.

Trên cơ sở tiêu chí lựa chọn, 12 tỉnh thành/phố được lựa chọn thí điểm bao gồm: Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Dương, TP. HCM, An Giang, Long An, Cần Thơ.

Dự kiến chương trình thí điểm sẽ được triển khai từ tháng 8/2015 đến hết năm 2016. Cuối năm 2016 sẽ tiến hành đánh giá và tổng kết hoạt động thí điểm.

Top