Bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện

09/11/2011 13:48

Chính phủ ban hành Nghị định 94/2011/NĐ-CP ngày 18/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 2/12/2003 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các sơ sở cai nghiện mai túy tự nguyện, trong đó bổ sung

Nghị định số 147/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm 3 hành vi: Tổ chức cơ sở cai nghiện trái pháp luật; Cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy vào các mục đích khác; xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ, tài sản của người đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

Ngoài các hành vi nghiêm cấm nêu trên, Nghị định 94/2011/NĐ-CP bổ sung một số hành vi nghiêm cấm đối với cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện gồm: Áp dụng các phương pháp điều trị, sử dụng thuốc để điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy khi chưa được Bộ Y tế cấp phép; Thực hiện cai nghiện ma túy vượt quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép; Quảng cáo không đúng hoặc quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện; Sử dụng đất đai của cơ sở cai nghiện sai mục đích.

Sửa đổi điều kiện hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe

Nghị định 94/2011/NĐ-CP cũng sửa đổi điều kiện về nhân sự đối với cơ sở cai nghiện hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe.

Nếu như quy định trước đây yêu cầu: Người đứng đầu cơ sở cai nghiện hoặc người phụ trách chuyên môn cai nghiện và phục hồi sức khoẻ phải là bác sĩ đa khoa có thời gian thực hành tại các cơ sở khám chữa bệnh trên 3 năm và có ít nhất 1 năm trực tiếp làm công tác cai nghiện, phục hồi hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần đã có thời gian thực hành chuyên khoa tâm thần ít nhất 3 năm, thì nay Nghị định sửa đổi quy định cụ thể điều kiện đối với từng nhân sự là người đứng đầu cơ sở cai nghiện và người phụ trách chuyên môn của cơ sở cai nghiện.

Theo đó, người đứng đầu cơ sở cai nghiện phải là người đã có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và đã được tập huấn về công tác cai nghiện ma túy.

Còn người phụ trách chuyên môn của cơ sở cai nghiện là bác sĩ, được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tâm thần hoặc trong lĩnh vực điều trị hỗ trợ cai nghiện, có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ đủ 36 tháng trở lên, trong đó có thời gian trực tiếp làm công tác cai nghiện từ đủ 12 tháng trở lên.

Ngoài ra, trong khi quy định cũ không quy định cụ thể bằng tốt nghiệp, chứng chỉ đối với cán bộ, nhân viên của cơ sở cai nghiện thì Nghị định 94/2011/NĐ-CP đã bổ sung thêm: Cơ sở cai nghiện phải có đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên y tế, nhân viên tư vấn tâm lý, đã có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, có chứng chỉ phù hợp. Đối với người làm công tác bảo vệ phải có chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ. Người làm việc tại cơ sở cai nghiện tự nguyện phải có hồ sơ, lý lịch rõ ràng, không thuộc đối tượng cấm hành nghề.

Top