4 trường hợp bắt buộc phải giám định hàm lượng chất ma túy

18/11/2015 15:50

Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17 vừa được ban hành ngày 14/11/2015. Theo đó, quy định 4 trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy.

Ảnh minh họa

Cụ thể: Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong 4 trường hợp sau:

a, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c, Xái thuốc phiện;

d, Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực này thi hành kể từ ngày 30/12/2015.

Như vậy, theo quy định của Thông tư liên tịch số 08 thì: Khi giải quyết các vụ án về ma túy, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Việc bắt buộc trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy chỉ trong 4 trường hợp nêu trên.

Trước đây, trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, đã phát sinh một số vấn đề, gây ra những cách hiểu và áp dụng khác nhau tại các địa phương, trong đó có nội dung 1.4 mục I hướng dẫn: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”. Hướng dẫn này không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu không thống nhất và thực tế không phù hợp với quy định tại các Điều 193, 194, 195 của Bộ luật Hình sự. Trong các Điều luật này chỉ quy định trọng lượng làm căn cứ định tội, định khung hình phạt để truy tố, xét xử. Vì vậy, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy gây ra những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là chất ma túy, mà chỉ thực hiện việc giám định hàm lượng để tính trọng lượng chất ma túy đối với các chất quy định tại điểm a, b nêu trong phần 1.1 Mục I và tiểu mục 3.5, mục 3, phần II Thông tư liên tịch số 17 (cụ thể gồm: Ma túy pha vào dung dịch; xái thuốc phiện; thuốc có chứa chất gây nghiện).

Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã tích cực phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 17. Việc ban hành Thông tư liên tịch số 08 đã tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng các cấp giải quyết hàng nghìn vụ án ma túy  tồn đọng trong cả nước thời gian vừa qua, nhất là ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo số liệu thống kê tại hai địa phương này còn tồn khoảng 1.000 vụ án ma túy do liên quan đến việc giám định hàm lượng chất ma túy.

Top