Những chuyến “bay” đêm đến... Viện Tâm thần

29/09/2012 14:00

Theo thống kê của Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia (BV. Bạch Mai), bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 1/5 tổng số bệnh nhân đang điều trị. Trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên, người trẻ nhất còn chưa đến 18 tuổi.

Người bệnh bao gồm đủ các thành phần, từ công chức, trí thức, đến giáo viên, học sinh, sinh viên..., sau những chuyến “bay đêm” hết mình, bãi đáp của họ thường là ở bệnh viện tâm thần.

PGS. TS. Trần Hữu Bình, Nguyên Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia thăm khám bệnh nhân. Ảnh Phan Hoàng

Chuyện của “dân bay”...

Trong số nhiều bệnh nhân ở Phòng điều trị nghiện chất, Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia, có cậu thanh niên còn rất trẻ với ánh mắt vô hồn. Cậu ta đi lại lấm la lấm lét, tay chân run lẩy bẩy, miệng thì méo mó, lẩm nhẩm nói chuyện một mình. Thi thoảng cậu lại hướng ánh mắt sang hai bên như đang đề phòng ai đó.

Tên bệnh nhân đó là Tự Hiếu, sinh năm 1990, quê ở Bắc Ninh. Sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là con út nên Hiếu được bố mẹ cưng chiều hết mực. Năm 2008, Hiếu thi đỗ vào một trường đại học tại Hà Nội. Thấy cậu con trai đỗ đạt, gia đình cậu hết sức phấn khởi, chu cấp không thiếu thứ gì, từ xe cộ, tiền học đến tiền tiêu vặt... để cậu quý tử chuyên tâm vào học hành. Nhưng phải cái tính Hiếu từ nhỏ chỉ thích chơi hơn thích học. Ngay những ngày đầu sống trong môi trường mới, cậu đã kịp kết giao với một đám bạn thuộc diện “có nanh, có mỏ”, thường xuyên tụ tập tại các điểm ăn chơi có tiếng.

Cách đây hơn 2 năm, gia đình Hiếu nhận được thông báo của nhà trường cho cậu thôi học vì nghiện heroin. Phát hoảng, bố mẹ cậu lập tức lên Hà Nội đón cậu quý tử về quê chữa trị. Cứ tưởng cách ly với đám bạn xấu thì Hiếu sẽ hồi tâm chuyển ý, ai dè ở quê nhà, cu cậu không còn sử dụng heroin nữa mà chuyển sang dùng... ma túy tổng hợp. Bố mẹ, anh chị khuyên can thế nào Hiếu nhất định không nghe. Có ngày Hiếu cùng với đám bạn “bay” đến 4 lần, ngày đêm đắm chìm trong ảo giác.

Hiếu vừa được gia đình đưa vào nhập viện trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, miệng suốt ngày lảm nhảm. Cậu ta cho rằng có người thường xuyên theo dõi và tìm cách làm hại mình. Trước khi nhập viện, Hiếu thường xuyên khạc nhổ khắp nhà, tiểu tiện bừa bãi, không làm chủ được hành vi, hay đập phá đồ đạc, mắng chửi cả bố mẹ, anh em... Hiện nay, dù đã tạm thời cắt cơn, song điều đáng ngại nhất theo các bác sĩ điều trị là chứng bệnh của Hiếu chắc chắn sẽ còn đeo đẳng cậu suốt trong cuộc đời.

Tương tự là trường hợp của Hồng Nhung (SN 1994), nhà ở quận Tây Hồ, Hà Nội, được gia đình “dắt tay” nhập viện trong tình trạng hoảng loạn do sử dụng quá nhiều ma túy tổng hợp. Dù vẫn còn rất trẻ nhưng Nhung cũng đã có thâm niên gần 5 năm sử dụng ma túy tổng hợp. Nhung bỏ học, lấy chồng, sinh con từ năm 16 tuổi, chồng Nhung là một thanh niên không có nghề nghiệp ổn định, đồng thời cũng là “chí cốt” thường xuyên đồng hành cùng vợ trong những chuyến “bay” suốt sáng, thâu đêm.

Theo hồ sơ bệnh án, Nhung đã từng phải vào Viện sức khỏe tâm thần để điều trị gần chục ngày, nhưng chỉ sau 2 tháng Nhung lại được người thân đưa vào viện khi đang hò hét, tự cào cấu mình và lảm nhảm điên loạn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, Nhung có phản ứng dương tính với ít nhất 3 loại chất ma túy. Hồ sơ bệnh án cũng ghi nhận, lần đầu Nhung sử dụng ma túy tổng hợp khi mới gần... 14 tuổi. Sau lần đó, Nhung đâm ra nghiền thứ “bột đá” mà đám bạn đem ra chiêu đãi. Nhung chính thức tham gia vào đội hình và trở thành “dân bay” chính hiệu khi tuổi đời còn rất trẻ.

Vì chưa làm ra tiền nên Nhung tìm cách “bay” chung cùng một nhóm bạn, trong đó có cả người chồng hiện tại của cô bé, với “chi phí” thấp nhất cũng phải gần 1 triệu đồng cho một lần “phê pha”. Từ việc thi thoảng mới cần “bột đá”, hiện nay mỗi ngày Nhung đã phải đi “bay” vài ba lần mới thỏa cơn nghiện. “Bay” nhiều nên "ảo" cũng nhiều, trước khi nhập viện Nhung thường nói với mẹ cảm giác về lúc nào cũng có tiếng nguời nói trong đầu xúi giục đập phá đồ đạc trong nhà và hành hung người khác. Qua cơn ảo giác, Nhung lại lập tức tỉnh khô. Với trường hợp của Nhung các bác sĩ điều trị phải cho dùng thuốc an thần liều cao để loại bỏ dược tính của ma túy tổng hợp đã ngấm quá sâu.

Đáp xuống... viện tâm thần

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2012, Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận 23 trường hợp đến điều trị các rối loạn tâm thần do ma túy tổng hợp gây nên, chủ yếu là sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá”. Trong đó có 2 bệnh nhân dưới 18 tuổi và 21 bệnh nhân từ 18 đến 35 tuổi.

Bác sỹ Lê Thị Thu Hà, người trực tiếp điều trị các bệnh nhân có biểu hiện loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp tại Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết, hiện nay số lượng người bệnh phải điều trị bệnh lý về tâm thần có liên quan đến ma túy ngày càng nhiều, có trường hợp bệnh nhân khi nhập viện diễn biến bệnh quá nặng, lúc nào cũng chỉ muốn tìm đến cái chết.

Bác sỹ Hà kể, có trường hợp bệnh nhân sau khi nhập viện cứ tìm cách húc đầu vào tường, nhất định đòi chết cho bằng được, rất may lúc đó các bác sĩ của bệnh viện trực tại đó đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Trường hợp khác lại tự cởi áo, tạo thành sợi dây thòng lọng vòng qua cửa sổ và tự chui đầu vào, hành động này khiến các bệnh nhân khác trong phòng hốt hoảng, kêu cứu gọi cả bệnh viện tỉnh giấc giữa đêm khuya...

Theo PGS. TS Trần Hữu Bình, Nguyên Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia, “đập đá”, "chấm đá", "bồ đá" đều là tên gọi của ma túy “đá”, loại ma túy thường được giới trẻ sử dụng ở các quán bar, vũ trường...  “Đập đá” là từ lóng mà xã hội thường gọi thay cho chất ecstasy, một chất nằm trong tổ hợp các chất gây nghiện ATS, được dùng để điều trị các bệnh hen phế quản, xung huyết mùi, béo phì, rối loạn tăng đồng giảm chú ý, trầm cảm…

PGS. TS Trần Hữu Bình cũng cho biết, sử dụng ma túy tổng hợp với liều cao có thể bị ngộ độc, nôn, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. Nghiêm trọng hơn là thần kinh bị rối loạn hoang tưởng, dễ bùng nổ. Nếu ngưng sử dụng trong vòng 24 đến 48 giờ thì người sử dụng sẽ có hội chứng cai, mà biểu hiện cao nhất là trầm cảm.

Theo PGS. TS Trần Hữu Bình, điều trị cho bệnh nhân tâm thần khó khăn hơn bệnh nhân khác do người bệnh thường có biểu hiện chống đối, không hợp tác, không nhận thức được bệnh tật. Người sử dụng ma túy tổng hợp đến mức "nghiện" sẽ chịu những tác động tâm lý từng cấp khác nhau, theo thời gian và mức độ sử dụng, nhẹ nhất là ảo giác, nặng hơn là hoang tưởng và có ý tưởng tự sát.

Top