“Làm lại” sau 15 năm nghiện ngập

01/09/2012 14:00

Sau 15 năm nghiện thuốc phiện bà Vũ Thị Nguyệt không chỉ tự cai cho mình mà còn giúp chồng thoát khỏi nàng tiên nâu để làm lại cuộc đời.

Nghiện hút chỉ vì thiếu hiểu biết

Năm 16 tuổi, bố mẹ ép gả bà Nguyệt lấy một người thanh niên cùng xã mà bà không yêu, để một tháng sau đó bà quyết định về nhà, vào quân ngũ tại đường 9, Nam Lào, trở thành cô nữ văn công của sư  đoàn 473. Sau khi xuất ngũ bà Nguyệt lên làm công nhân lâm trường Ngòi Lao, Yên Lập, Phú Thọ. Tại đây, bà đã lập gia đình với anh công nhân Nguyễn Thành Dung, hơn bà 19 tuổi.                                                   

Bà Nguyệt không ngờ trước khi lấy bà, ông Dung đã nghiện thuốc phiện. Đầu tiên ông Dung nghiện loại thuốc Ôbiroit, có chứa chất gây nghiện của thuốc phiện. Vì không biết tác hại và hậu quả lớn của loại chất gây nghiện này bà Nguyệt đã phải trả cái giá đắt là bị chính chồng đưa vào con đường nghiện ngập.

Sau khi bà sinh đứa con đầu lòng, ông Dung đã hút thuốc phiện được một thời gian dài. Ông nói với vợ rằng hút thuốc này sẽ làm cho người khỏe ra, lại còn tránh hậu sản. Vì thiếu hiểu biết, tin chồng bà đã hút thử rồi dần bị cuốn vào bùa mê thuốc phiện mà không hay.

Ngày ấy, nếu hai vợ chồng bà Nguyệt không được hút 2 đến 3 cữ mỗi ngày thì trong người bứt rứt, ngứa ngáy thậm chí đau đớn tưởng như có những con kiến đốt trong xương thịt mình. Thậm chí bà Nguyệt còn cho người con trai mới sinh kể cả hai cô con gái sau này cùng nằm cạnh hít khói như mình.

Khi mới lấy nhau, hai vợ chồng không có nhà, phải đi ở. Vì nghiện, cảnh nhà thêm túng quẫn, hai vợ chồng phải lăn lưng đi rừng kiếm củi. Thậm chí cả hai vợ chồng bà phải đánh đổi tính mạng làm phu đào vàng 5 năm trời ở Văn Chấn, Yên Bái. Khi đó, ông bà may mắn kiếm ra được nhiều vàng. Nhưng thay vì lấy tiền, vợ chồng bà chỉ ưng đổi lấy thuốc phiện cho thỏa cơn nghiện.

Tới năm 1985, cả hai vợ chồng bà về Yên Lập, Phú Thọ sinh đứa con thứ hai. Khi đi tay trắng, khi về cũng trắng tay, hai vợ chồng lại phải lập tạm căn lều nhỏ để có chỗ chui ra chui vào. Cuộc sống nghèo khổ cứ thế kéo dài, 3 đứa con ra đời nheo nhóc, không được học hành tử tế, phải nghỉ học giữa chừng.

May mắn là mấy chục năm nghiện thuốc phiện nhưng vợ chồng bà không buôn bán hay xúi giục, tiêm nhiễm cho ai. "Nghiện thuốc phiện, tôi biết cuộc đời vợ chồng tôi xem như đã hỏng nên lúc nào tôi cũng dạy các con không được bước vào vết chân của bố mẹ chúng".

Có lẽ cuộc đời của bà Nguyệt cũng như gia đình 5 người ấy sẽ chẳng thể thoát khỏi cảnh nghiện ngập, nghèo đói và thất học, nếu như bà Nguyệt không được chính quyền công an địa phương tới nhà vận động cai nghiện. Tuy nhiên chuyện đi cai nghiện không dễ dàng như bà Nguyệt nghĩ.

Tháng đầu tiên tới trại cai nghiện, những lúc tới cữ thèm thuốc, bà lại đập phá cửa đòi bác sĩ cho thuốc. Những người bạn trong phòng đưa ma túy cho hút, bà Nguyệt đã phải đấu tranh, quyết tâm cai cho tới cùng.

Sau 6 tháng cai nghiện, bà Nguyệt trở về nhà nhưng lúc này người chồng của bà, đã nghiện gần 40 năm nay vẫn tiếp tục hút thuốc phiện. Bà hiểu nếu cứ sống chung vậy sớm muộn bà cũng sẽ tái nghiện. Bà Nguyệt lại nhờ  chính quyền vào cuộc để vận động chồng cai nghiện. Tuy nhiên thay vì đi trại, bà Nguyệt cai cho chồng tại nhà. Cứ ròng rã và kiên trì như vậy hết một năm trời, ông Duy dần dà yên tâm cai nghiện.

Bà Nguyệt cho rằng: "một người đã cai nghiện cần hàng chục năm để quên đi cảm giác của ma túy vì vậy để cai nghiện thành công người nghiện phải có ý chí và nghị lực lớn mỗi khi họ có cơ hội tiếp xúc với thuốc phiện hay ma túy"

" Đời mình không phải là đồ bỏ đi"

Cuối năm 1998, thầy Trần Duyên Hải ở Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Linh Quang (Hà Nội) đã nhận giúp đỡ bà Nguyệt vào trung tâm, tạo cơ hội cho bà tái hòa nhập cộng đồng.

Thấy bà nhanh nhẹn lại chất phác, thầy Hải cho bà đi làm người giúp việc. Tuy nhiên, khi biết sự thật hoàn cảnh của bà thì nhiều chủ nhà sợ hãi từ chối. Thầy Hải lại cho bà về làm nhân viên tại trung tâm với nhiệm vụ về các địa phương tìm những hoàn cảnh khó khăn nhất về trung tâm để tạo công ăn việc làm cho họ.

Sống tại trung tâm, bà Nguyệt được thấy sự hòa đồng và yêu mến của những người có cùng cảnh ngộ. Đặc biệt là thầy Trần Duyên Hải luôn bao dung, rộng lượng với những người từng lầm lỡ như bà. Điều ấy khiến bà Nguyệt cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa rất nhiều, “ không nghĩ mình là đồ bỏ đi"

Hơn 10 năm nay, công việc của bà Vũ Thị Nguyệt là đi nhiều nơi ở các vùng nông thôn, vùng sâu xa như Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang… để vận động những người có hoàn cảnh, số phận lầm lỡ trở về trung tâm.

Với 10 năm kinh nghiệm vận động, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật và người lầm lỡ ở trung tâm nhân đạo Linh Quang, hai năm nay, bà Nguyệt chuyển sang công tác tại Trung tâm nhân đạo Hồng Đức (Tam Trinh, Hà Nội), cũng là một trung tâm dành cho trẻ khuyết tật của thành phố Hà Nội.

Bà Nguyệt (áo xanh) luôn được sự yêu mến của những thành viên trong trung tâm nhân đạo Linh Quang và Hồng Đức. Ảnh: Hoàng Lê

Anh Đới Thế Long, Phó Giám đốc Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho biết: "Cô Nguyệt là người thẳng thắn, tâm huyết với công việc. Mặc dù tuổi cao, công việc khá vất vả, tiền trợ cấp lại ít ỏi nhưng chưa bao giờ cô ấy than vãn. Ở trung tâm Hồng Đức sự hòa đồng của cô Nguyệt luôn được mọi người yêu mến, nhiều em khuyết tật ở đây còn xem cô như mẹ của mình vậy".

Ở cái tuổi xế bóng cuộc đời, dường như người đàn bà ấy mới cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống.. Bà chia sẻ: "Trước đây tôi đã từng sai lầm, khốn khó, vì vậy tôi cũng muốn giúp đỡ những người khác có hoàn cảnh như mìnhđể họ có được công việc ổn định và được xã hội công nhận".

Top