Không còn mong ước gì thêm!

01/08/2012 15:00

Những người bạn tốt và một công việc xã hội có ý nghĩa đã đưa chị quay trở lại với bản chất “thiện” nằm sâu trong tâm khảm của mình, chị bằng lòng với cuộc sống gia đình mà mình đang có.

Ngồi đối diện chúng tôi ven biển Hà Tiên một trưa hè là một người phụ nữ 48 tuổi. Cái tuổi còn ít hơn nhiều so với khuôn mặt sạm đen và khóe mắt đã hằn lên những nếp nhăn. Nhưng đôi mắt của chị thì vẫn sang, ánh lên nét hóm hỉnh.

Chị là Trần Thị Kim Dung, đang là một cộng tác viên năng nổ của chương trình giảm hại lây nhiễm HIV/AIDS tại khu vực thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Công việc hàng ngày của chị là tiếp cận với những chị em mại dâm trong khu vực phường Tô Châu, truyền thông cách sử dụng bao cao su an toàn, giúp đỡ họ làm các thủ tục xét nghiệm HIV và các bệnh liên quan đến đường tình dục .

Chị Kim Dung (áo trắng) nói chuyện với phóng viên. Ảnh Thành Chung

Chị chuyên tâm làm công việc này được gần 10 năm nay. Còn trước đó, chị là một chủ chứa mại dâm, một “tay anh chị” có tiếng ở Hà Tiên. Bản thân cũng làm mại dâm gần 20 năm. Nhớ lại những tháng ngày cũ, người đàn bà rắn rỏi này cũng không dấu hết được những nỗi buồn tủi, “thôi thì số phận mình nó đã vậy…”.

Sinh ra tại Vĩnh Long, trong tâm trí người đàn bà này vẫn còn nhớ mãi hình ảnh anh bộ đội về làng bế xốc “nhỏ” Dung mới 4, 5 tuổi lên trên vai đi qua khói lửa của bom đạn. “Mình vẫn nhớ một anh bộ đội, người Bắc làm một căn nhà mô hình nhỏ bằng tre rồi nói với chị rằng sau này khi giải phóng, anh về quê xây ngôi nhà như thế này cho ba má và vợ con”, chị Dung bồi hồi.

“Cũng từ kỷ niệm đó mà ngay từ bé mình đã có một ao ước mai sau có một gia đình nhỏ yên ấm, hạnh phúc”, chị nói khi ánh mắt sáng hơn hướng về phía biển.

Nhưng cuộc sống đôi khi không như người ta mong muốn. Sau giải phóng, mới ngoài 15 tuổi, do cuộc sống khó khăn, chị theo người ta đi buôn ra tận xứ Hà Tiên. Cuộc sống vì miếng cơm manh áo nơi đất khách tiếp tục xô đẩy chị làm cái nghề đầy thị phi kia.

Gần 20 tuổi, khi vẫn đang làm công việc đó, chị lấy chồng. Có với nhau 2 mặt con, nhưng cuộc sống vợ chồng không yên ấm, “ổng thường xuyên rượu say, đánh đập chị, có lần vung dao chặt đứt hai đốt ngón tay út của chị đây”, chị Dung giơ ngón tay bị “lẹm” còn một đốt lên cho chúng tôi xem.

Bỏ chồng, chị vẫn làm nghề cũ để nuôi hai con ăn học. Với quán cà phê của chị, nếu khách nào có “nhu cầu”, chị nhận rồi chỉ cho khách đến địa điểm có gái phục vụ. Mỗi lần như vậy, chị cho biết cũng được khoảng 8.000- 9.000 đồng (tiền khách uống nước cộng với tiền mà chị em mại dâm trích lại).

Trong một lần công an bắt được chị môi giới mại dâm, chị bị dẫn giải lên công an phường. “Hễ các ổng mà gay gắt là mình chẳng có sợ đâu. Nhưng anh Ba Hùng lại khác.”, chị dừng lại một hồi rồi nói tiếp “anh Ba biết chị từ lâu, nhưng lần gặp này anh ấy lặng im, ngồi thở dài rồi nói với chị rằng “em ơi, quê hương xứ sở mình từ trước tới nay đâu có làm cái nghề này, em hãy bỏ nghề đó đi, kiếm nghề khác mà sống cho thanh thản”.

“Sau lần đó ít lâu, có người ở ngành y tế đến nói chuyện với chị tham gia một hoạt động dự phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và bệnh lây qua đường tình dục. Đó thật là một công việc mới mẻ, nhưng chị đâu có biết chữ, biết viết để làm cái này. Nhưng cũng thật may mắn khi người đề nghị mình tham gia chương trình hồi đó là anh Trường Giang- Trạm trưởng Trạm y tế xã Thuận Yên (nay là phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên) đã nhiệt tâm động viên chị tham gia và dạy chị viết, đọc các tài liệu hướng dẫn…”.

Sau một thời gian học, chị đã dần biết viết và đọc. “Vui sướng lắm chứ khi mình đã đọc được báo, tài liệu tuyên truyền lây nhiễm HIV mà trước đây chị đâu có hiểu gì à? Thế nên chị thấy thích thú với công việc mới và nhập tâm vào làm, và cũng vì để chia sẻ, phòng ngừa cho những chị em cùng cảnh ngộ với bản thân mình”, chị vui vẻ nói.

Đến gặp ông Trường Giang (tên thật là Nguyễn Văn Giang) hiện đang là Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tô Châu, ông cho biết mình biết chị Dung từ lâu với tính cách thẳng thắn, thật thà của chị. Từ những năm 1996, khi có chương trình giảm hại lây nhiễm HIV ở Kiên Giang mà ông là một cộng tác viên, ông Giang đã xác định tiếp cận với chị Dung- hồi đó vẫn còn làm môi giới mại dâm ở khu vực Thuận Yên để đưa chị tham gia vào dự án.

“Ban đầu cô ấy ngại không dám tham gia vì sợ những người cùng làm quậy phá vì ảnh hưởng đến việc làm ăn của họ, nhưng tôi nói mình chỉ tuyên truyền để người ta phòng tránh lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục thôi chứ không ngăn cản họ nên cô Dung đã đồng ý làm việc cùng chúng tôi”, ông Giang nói.

Ông cũng cho biết công việc lúc đấy cũng không dễ dàng khi tôi phải mất một thời gian dạy cô Dung đọc, viết để sử dụng các tài liệu tuyên truyền. Nhưng ngược lại cô Dung lại rất giỏi trong việc nắm bắt thông tin và khéo léo tuyên truyền cho nhóm chị em mại dâm.

Đến giờ chị Dung vẫn không quên ơn ông Giang, người mang lại cho chị một công việc- nghề nghiệp mới rất có ý nghĩa này. Hàng ngày chị đi chợ, không quên mang theo các hộp bao cao su (do các chương trình giảm hại HIV/AIDS của Ngân hàng Thế giới hoặc các tổ chức khác cấp phát miễn phí) đến phát cho chị em mại dâm hoặc phát cho các ngư phủ ở các vùng khác đến Hà Tiên đánh cá.

Có những chị em chưa quen mặt, chị cho biết phải dành thời gian tiếp cận thật khéo léo để họ đỡ ngại và tiếp chuyện lại mình. Hỏi gặp bằng cách nào, chị cho biết phải lựa những lúc chị em rảnh, mời họ đi uống cà phê và trò chuyện về ý thức bảo vệ bản thân khỏi HIV.

Không những thế, chị còn tâm sự, chia sẻ và khuyên nhủ chị em mại dâm trên địa bàn mình đi xét nhiệm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục để có ý thức phòng tránh cho bản thân và khách hàng, thậm chí cả người thân của họ. Chị cho biết trong 10 năm làm công việc này, chị đã giúp hàng trăm lượt chị em làm thủ tục xét nghiệm HIV.

Khi được hỏi không còn làm môi giới nữa thì chị sống như thế nào, chị Dung vui vẻ trả lời “mình mở một quán cà phê gần mặt đường ở phường Tô Châu này để sinh nhai thôi. Mấy năm trước mình cũng đi bước nữa vào có 1 cháu trai 8 tuổi, đang đi học. Tiền công làm cho dự án phòng lây nhiễm HIV của WB mình để dành ra (khoảng 1,3 triệu đồng/tháng) để nuôi nhóc đó đi học và ăn uống. Tiền bán cà phê cũng chẳng nhiều nhặn gì thì gom góp lại để phòng sau này. Hai cháu lớn (con của chồng trước) đều đã có gia đình, có việc làm ở Hà Tiên và Sài Gòn rồi. Cuộc sống hiện tại giờ thật không còn mong ước gì thêm”.

Ánh mắt tiếp tục ánh lên sự thanh thản, chị vô tư nói tiếp “thằng nhỏ nhà chị cũng ngoan lắm, mới học lớp 3 nhưng viết lách thành thạo rồi. Có những lúc chị bí từ, không biết viết thế nào nó giúp chị viết đấy”.

“Sau này khi các chương trình giảm hại lây nhiễm, phát bao cao su miễn phí cho chị em mại dâm không còn nữa thì hoạt động của mình cũng bị co hẹp lại. Nhưng có gì thì mình vẫn tiếp tục làm trong điều kiện cho phép vậy. Công việc mang lại cho chị hạnh phúc, niềm vui và sự chia sẻ”, chị Dung khẳng định với chúng tôi.

 

Top