Dự án do UNODC tài trợ mang lại hiệu quả tại Việt Nam

13/03/2012 16:38

Ngày 12-3, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức Hội nghị tổng kết hai Dự án “Phòng, chống lạm dụng ma túy và HIV trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc” và “Hỗ trợ kỹ thuật cai nghiện và phục hồi tại trung tâm và cộng đồng” do UNODC tài trợ.

Hội nghị tổng kết Dự án phòng, chống ma túy do UNODC tài trợ

Dự án “Phòng, chống lạm dụng ma tuý và HIV trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc” được thực hiện từ năm 2008, tại 27 xã thuộc 4 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên. Đây là những xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa với nhiều người nghiện ma túy, nhiễm HIV. Dân cư chủ yếu là dân tộc thiểu số như người Mông, Thái, Dao, Dáy, Hà Nhì.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông và tiếp cận cộng đồng phù hợp với văn hóa của dân tộc thiểu số. Dự án đã thông qua các nhóm giáo dục viên đồng đẳng, các buổi truyền thông trực tiếp tại thôn bản, phân phát bao cao su, bơm kim tiêm cho các đối tượng nghiện chích người dân tộc thiểu số. Dự án còn tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, đồng đẳng viên, tình nguyện viên người dân tộc thiểu số đã được tiến hành.

Đến nay, ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản thực hiện dự án đã được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt. Đồng bào đã giác ngộ và nhận thức sâu sắc tác hại, hiểm họa của ma túy và HIV trong cộng đồng, góp phần có hiệu quả vào việc ngăn chặn sự lây lan của HIV, làm giảm đáng kể số người nghiện và tái nghiện ma túy. Đặc biệt dự án đã giúp cho hơn 500 hộ gia đình người nghiện ma túy vay vốn phát triển kinh tế.

Nhận thức về hiểm họa của ma túy, HIV của đồng bào đã được chuyển biến rõ rệt.

Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cai nghiện và phục hồi tại trung tâm và cộng đồng” tại 10 tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đà Nẵng, An Giang và Tây Ninh, đến nay qua 6 năm thực hiện, đã góp phần hỗ trợ phát triển các dịch vụ cai nghiện tự nguyện ở cộng đồng. Đội ngũ cán bộ tư vấn, chăm sóc người cai nghiện ma túy tại trung tâm và cộng đồng đã được đào tạo một cách chuyên nghiệp dựa trên các dịch vụ cai nghiện tiên tiến nhất. Từ đây họ trở thành các giáo viên ở địa phương để chia sẻ kiến thức và kỹ năng mới cho các đồng nghiệp khác

Theo đánh giá của các chuyên gia UNODC, hai dự án đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Nhưng những kết quả đạt được cần được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương quan tâm tiếp tục duy trì để đảm bảo tính bền vững, đặc biệt ở các tỉnh miền núi Tây Bắc.

Top