Phòng tránh HIV cho đối tượng có nguy cơ cao

06/12/2011 16:52

Giống như nhiều thanh thiếu niên đường phố ở tuổi 20, Sang đã phải đối đầu với một cuộc sống khó khăn. Với sự hỗ trợ và đào tạo từ những người có kinh nghiệm trong dự án NAM, Sang và 20 bạn thanh niên đường phố khác đã trở thành đồng đẳng viên hoạt động phòng tránh HIV.

“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”

Đồng đẳng viên là tên gọi của những người tư vấn về sức khỏe sinh sản, HIV thuộc dự án “Phòng tránh HIV trong thanh thiếu niên Việt Nam” (NAM). Cuộc sống của Sang đã thay đổi khi một người bạn mời cậu tham gia vào dự án này.

Các đồng đẳng viên chia sẻ trong quá trình tham gia dự án NAM.

Mỗi tháng, Sang tư vấn cho hơn 40 thanh thiếu niên đường phố. Đối với những thanh thiếu niên sử dụng ma túy, cậu giải thích rõ ràng cách tránh sử dụng bơm kim tiêm bẩn như thế nào. Với những bạn cần đến các dịch vụ y tế, Sang giới thiệu họ đến những trung tâm y tế thân thiện dành cho thanh thiếu niên đường phố. Sang chia sẻ: “Tôi muốn thay đổi bản thân mình và có một công việc được mọi người tôn trọng”. Giờ đây, Sang vẫn đứng đầu một nhóm thanh thiếu niên đường phố, nhưng cậu có sức ảnh hưởng tích cực đến bạn bè của mình.

Trang, năm nay 23 tuổi nhưng đã có con gái sáu tuổi. Hai mẹ con sống trên đường phố tại Hải Phòng. Trang bắt đầu sử dụng ma túy trong khoảng thời gian sinh nở. Cô hành nghề bán dâm để nuôi sống bản thân và con gái mình. “Em thường lo sợ rằng mình sẽ không có tiền để mua thuốc, và em sẽ làm bất kỳ việc gì có thể để có thuốc, bao gồm cả việc sử dụng chung bơm kim tiêm và cả việc không sử dụng bao cao su khi quan hệ với khách”.

Sau khi được các bạn đồng đẳng viên tìm gặp nói chuyện về chủ đề giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và hỗ trợ đưa cô đi xét nghiệm HIV, sức khỏe sinh sản, Trang quyết định sẽ thay đổi để an toàn hơn, bao gồm cả việc sử dụng ma túy.

Hàng tuần, Trang cùng 20 bạn thanh thiếu niên đường phố khác trong nhóm hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, luân phiên điều hành sinh hoạt chủ đề và cam kết hỗ trợ lẫn nhau. Cô bắt đầu thuyết phục khách về việc sử dụng bao cao su. Trang cũng giảm dần lượng ma túy và tiến tới ngừng sử dụng hoàn toàn.

Là sinh viên năm nhất của khoa Xây dựng, trường Cao đẳng Nghề giao thông vận tải Trung ương 1, Hoàng Văn Trung nói “không” với gái mại dâm từ khi trở thành một thành viên của câu lạc bộ Tản Đà. Tại đây sinh viên có cơ hội nói chuyện về giới, HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản và các bệnh lây qua đường tình dục.

Sau chủ đề về các bệnh lây qua đường tình dục (STis), Trung nghĩ về những lần quan hệ của mình, và đã ở lại rất muộn để nói chuyện với các bạn đồng đẳng viên. Cuối cùng, cậu quyết định đến bệnh viện Sơn Tây- Ba Vì để xét nghiệm. Trung chia sẻ, sợ hãi là cảm giác chủ yếu mà chàng trai trẻ 22 tuổi này đã phải trải qua trong suốt thời gian đó. Thật may mắn là cậu không bị nhiễm HIV. Trung tâm sự: “Cuộc đời đã ưu ái em, Giờ em sẽ cố gắng hết sức để giữ sức khỏe cho mình, và cho cả gia đình trong tương lai nữa”.

Sang, Trang và Trung là một trong số những thanh niên tìm lại được hướng đi cho cuộc đời mình. Những câu chuyện chân thật này được cán bộ dự án “Phòng tránh HIV trong Thanh thiếu niên Việt Nam – Thay đổi quan điểm giới và giảm các hành vi nguy cơ” (NAM) chia sẻ từ chính quá trình tiếp xúc với các thanh niên đường phố và sinh viên trường nghề.

Phòng tránh HIV cho nhóm thanh niên có nguy cơ lây nhiễm cao

Dự án NAM tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên đường phố và những sinh viên đang sống trong các ký túc xá thuộc các trường dạy nghề.

Đến nay, hợp phần trường nghề đã có 15 giảng viên quốc gia, gần 300 đồng đẳng viên được đào tạo. Đồng đẳng viên thực hiện các buổi sinh hoạt hàng tuần cho khoảng 2900 nam thanh niên để trao đổi thông tin và các hoạt động vui chơi có liên quan đến các nội dung về HIV, quan hệ tình dục an toàn, quan hệ giới, sử dụng chất kích thích.

Bà Lê Thị Thùy Dương, Trưởng ban HIV và Sức khỏe Thanh thiếu niên, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam cho biết sinh viên có kiến thức phòng chống HIV và có thái độ tốt hơn về các quan niệm giới và về các hành vi có nguy cơ dẫn đến lây nhiễm HIV.

Báo cáo của Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam cũng cho thấy sự gia tăng rõ rệt tỷ lệ phần trăm sinh viên có kiến thức tốt từ 13,6 đến 18,6%. Giảm tỷ lệ phần trăm sinh viên có kiến thức chưa đầy đủ 45,5% đến 28,1%.

Theo ông Đỗ Nam Khánh – Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động thương binh và xã hội, tháng 12-2010 Tổng cục dạy nghề đã ký quyết định ban hành chương trình hoạt động ngoại khóa giáo dục HIV/AIDS và sức khỏe thanh niên cho các cơ sở dạy nghề giai đoạn 2011-2015. Đây là kết quả nổi bật của dự án khi biến hoạt động của dự án trở thành hoạt động của chính các trường nghề.  

Anh Lê Quang Nguyên, Cán bộ quản lý dự án NAM cho biết, trong một điều tra mà dự án thực hiện với hơn 600 thanh thiếu niên đường phố tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, 17% trong số này sử dụng ma túy trong ba tháng gần nhất trước khi phỏng vấn, 32% các em đang hành nghề mại dâm. Tỷ lệ này cho thấy nguy cơ nhiễm HIV của thanh thiếu niên đường phố rất lớn.

Năm 2007, hợp phần đường phố ra đời là cơ hội lớn cho hàng ngàn thanh thiếu niên đường phố có cơ hội giảm bớt nguy cơ lây nhiễm HIV và được thông tin an toàn hơn. Đây là dự án duy nhất tại Việt Nam dành cho thanh thiếu niên đường phố.

Hợp phần đường phố đào tạo được 150 đồng đẳng viên, 37 hỗ trợ viên đường phố và 210 tình nguyện viên. Riêng năm 2011, dự án tiếp cận được 16.624 thanh niên đường phố.

 Sau năm năm thực hiện, dự án “Phòng tránh HIV trong Thanh thiếu niên Việt Nam - Thay đổi quan điểm giới và giảm các hành vi nguy cơ” (NAM) đã thu được những kết quả đáng khích lệ với hợp phần sinh viên trường nghề và hợp phần thanh thiếu niên đường phố.

Từ tháng 11-2006, Chương trình Hỗ trợ khẩn cấp về Phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), thông qua Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức Pact Việt Nam tài trợ cho tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam thực hiện dự án ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong thanh thiếu niên có nguy cơ. Dự án phòng tránh HIV toàn diện này đã được triển khai trong các thanh niên độ tuổi 15-24 ở hệ thống trường nghề và đường phố tại một số tỉnh thành

Top