Khát vọng về nhà của cô gái bán hoa

29/10/2011 08:31

Thanh khóc, những giọt nước mắt ân hận muộn màng: "Em không biết mình có còn đường quay lại làm người tử tế hay không nữa…".

Ngồi đối diện với Nguyễn Thị Thanh, không thể không xót xa bởi cô gái ấy còn quá trẻ. Gương mặt vẫn còn nguyên chất quê mùa với hàng lông mày chưa qua tỉa tót như nhiều cô gái bán hoa khác mà tôi đã từng tiếp xúc trong trung tâm giáo dục này. Thanh khóc, những giọt nước mắt ân hận muộn màng: "Em không biết mình có còn đường quay lại làm người tử tế hay không nữa".

Thanh cho hay, quê em ở một xã nghèo của huyện Yên Khánh - Ninh Bình. Sinh năm 1991, chưa học hết cấp II vì phải ở nhà giúp mẹ làm nương kiếm sống, Thanh là con út trong gia đình có bốn chị em gái. Năm 2009, Thanh lập gia đình với người bạn trai mà cô quen biết từ khi còn đang đi học. Chồng Thanh là con áp út trong một gia đình dân tộc Mường nghèo khó có tới 6 anh chị em.

Thanh nhớ lại những ngày đầu mới đi làm dâu. Vì nhà nghèo nên cô không có một đám cưới đàng hoàng như những cô gái khác. Nhà chồng cô cũng vậy, nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa nên chẳng có tiền để làm đám cưới, cũng không đăng ký kết hôn vì nhà chồng là dân tộc Mường. Cô lặng lẽ tủi nhục về làm dâu, đến khi mang bầu được 2 tháng mới được mẹ chồng chính thức công nhận và cho đi đăng ký.

Niềm vui không kéo dài được lâu thì Thanh bị sảy thai do đi lại bất cẩn. Thời điểm này, chồng cô cũng bắt đầu theo anh em bạn bè đi đào vàng những mong có thể thay đổi cuộc sống nghèo khó. Vận may chưa đến thì chồng Thanh bị tai nạn trong lúc làm việc dưới hầm phải nằm viện điều trị. Hoàn cảnh gia đình đã khó khăn túng bấn, nay lại càng bần cùng hơn. Cả gia đình lại phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền cho chồng Thanh phẫu thuật.

Không thể ngồi nhà nhìn cả nhà chết đói, Thanh quyết định xuống Hà Nội làm thuê để có tiền gửi về cho gia đình. Công việc làm thuê vất vả, thu nhập lại không được bao nhiêu trong khi chủ nợ ở nhà liên tục đòi nợ. Lúc đó, một người bạn cùng quê rủ đi làm gái bán dâm, Thanh nhắm mắt đưa chân đi làm ở gần bến xe Yên Nghĩa, Ba La, Hà Nội. Thanh bị bắt khi đang bán dâm cho khách tại một nhà nghỉ trên đường Giải Phóng.

Thanh kể, chồng cô không hề biết gì suốt quãng thời gian cô đi làm gái mại dâm cho đến khi tin cô bị bắt được báo về cho gia đình. Chồng cô ở nhà rất tốt tính, hiền lành, thương vợ. Từ khi đào vàng bị tai nạn, sức lao động của chồng cô giảm đáng kể nên không thể ra ngoài làm thuê mà ở nhà nuôi gà. Khi Thanh xuống Hà Nội, chồng cô vẫn đinh ninh cô đi làm công nhân cho một nhà máy sản xuất bao bì ở gần Hà Đông. Có lần, chồng nghi ngờ khi thấy cô cầm về nhà 4 triệu đồng nên đã vặn hỏi nhưng Thanh vẫn nói dối trót lọt. Vì yêu và tin vợ nên anh đã để cô tiếp tục đi làm.

Thanh tâm sự, không lúc nào cô nguôi khát vọng về nhà, về bên chồng nhưng món nợ của gia đình không cho phép cô làm điều đó. Cô day dứt rất nhiều vì lừa dối chồng, nhưng cô không thể nhìn chồng mình phải đau đớn khổ sở khi vết thương cũ tái phát mà không có thuốc chữa. Đắng lòng nhất là những lúc nhìn cảnh cả gia đình ngồi bên mâm cơm ảm đạm với vài cọng rau và bát muối pha cùng với nước thay cho nước mắm chấm vì không đủ tiền. Tất cả những điều đó khiến cho cô không thể ngồi yên nhìn cả nhà đói kém, chạy ăn từng bữa nên cô mới quyết định dấn thân vào con đường lầm lạc.

Khát vọng về nhà... Ảnh minh họa

Tôi có cảm giác, những cô gái trót dấn thân vào con đường làm gái mại dâm như Thanh luôn tìm cách ngụy biện, tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Có nhiều cách khác nhau để kiếm tiền đàng hoàng, chân chính mà không cần thiết phải làm thư thế. Trừ phi, sự cám dỗ của đồng tiền quá lớn nên họ không thể thoát ra khỏi nó. Đem ý nghĩ đó nói cho Thanh, cô cười đầy chua chát: "Nếu ở vào vị trí của anh, em cũng chẳng tin những lời em nói, nhưng anh cứ thử ở trong hoàn cảnh của em anh sẽ biết. Tiền đối với người giàu kiếm vô dùng dễ dàng nhưng với người nghèo thì lại vô cùng vất vả. Em chẳng cần quan tâm thiên hạ nghĩ gì, cái em quan tâm bây giờ là liệu chồng em có tha thứ cho em, liệu em có thể lại hạnh phúc khi đi ra khỏi đây được không thôi".

Thanh cho hay, cô là nhân viên lưu động, chịu sự điều động của chủ nhà chứ không tiếp khách tại một nơi cố định. Ngày ít cô phải tiếp 5 khách, có ngày lên đến 20 khách. Mỗi tháng cũng kiếm được từ 7 đến 10 triệu nhưng tiền phấn son trang điểm, tiền mua quần áo, tiền sinh hoạt phí và tiền chia cho chủ cũng ngốn gần hết chẳng còn tích cóp được bao nhiêu.

Lúc mới bắt đầu đi làm, nhà chủ hứa hẹn đủ điều. Họ bảo sẽ đứng ra thu xếp nếu có lỡ bị cơ quan chức năng bắt quả tang nên cô mới chấp nhận dấn thân. Không ngờ đến khi cô và hai bạn cùng làm bị bắt, nhà chủ hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm bởi cô đi khách ở ngoài. Thanh bảo, bây giờ chắc cả gia đình, họ hàng làng xóm đều biết cô đi làm công việc ô nhục này nhưng cô không sợ bởi việc mình làm sai thì mình phải chịu. Dư luận sẽ dần dần lắng xuống, bố mẹ cũng có thể thông cảm cho con miễn là chồng còn tình còn nghĩa.

Những ngày đầu tiên mới vào trung tâm, cô đã khóc rất nhiều vì nhớ chồng, vì ân hận và cả vì những nỗi sợ hãi mơ hồ. Thế nhưng sau khi được các cán bộ trấn an tinh thần, kiểm tra sức khỏe và không thấy bệnh tật gì nên phần nào đã yên tâm. Thanh nói: "Việc của em bây giờ là học tập cho tốt để chờ ngày về đoàn tụ với chồng thôi". Tôi hỏi đã có dự định gì cho tương lai chưa, cô ngậm ngùi: "Em bây giờ chẳng nghĩ được gì cả, chỉ có điều sau khi quay về em sẽ vĩnh viễn không bao giờ làm lại nghề này nữa, miễn là được chồng tha thứ. Dù có ăn rau, ăn cháo, có khổ đến mấy em cũng chịu được vì từ nhỏ em đã chịu khổ quen rồi. Em sẽ kiếm một công việc lương thiện để làm lại cuộc đời".

Đang trò chuyện với tôi thì Thanh nhận được tin báo ba ngày nữa mẹ cô sẽ lên thăm. Vừa nghe đến mẹ, nước mắt cô lại chảy giàn giụa. Thanh nói trong niếng nấc: "Nhìn thấy em thế này chắc mẹ đau lòng lắm. Em không biết phải nói gì với mẹ nữa, em đã không giúp gì được bố mẹ, giờ còn làm cho mẹ phải vất vả khổ sở. Mẹ em vốn không đươc khỏe, điều kiện gia đình lại khó khăn mà vẫn phải một mình thân già lặn lội xuống tận dưới đây thăm em. Em đúng là đứa con bất hiếu".

Với những người lầm lỡ như Thanh, để làm lại cuộc đời dễ nhưng cũng không hề dễ. Khi con người ta đang phải chịu hậu quả cho những sai lầm của mình, người ta rất dễ nhận sai nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm để đứng dậy làm lại từ đầu khi đã thoát ra khỏi sự trừng phạt đó. Có nhiều cô gái tại trung tâm này đã phải vào đây đến lần thứ 3, thậm chí là lần thứ “n” dù trước đó họ đã từng hứa hẹn giống như Thanh. Có rất nhiều lý do khác nhau để họ tự biện hộ cho mình, nhưng có một điểm chung của các lý do ấy mà cô nào cũng vin vào đó chính là do "dòng đời xô đẩy".

Ngày mai khi Thanh trở về nhà, biết đâu chồng cô không tha thứ, biết đâu cô không chịu được áp lực của dư luận, biết đâu cô không thể chịu được cuộc sống khổ sở và thêm một lần nữa lại nhắm mắt đưa chân? Người ta thường bảo, người ta chỉ cảm thấy khổ khi đã biết đến sự sung sướng. Và khi người ta đã quen với cuộc sống sung sướng rồi thì chẳng còn muốn quay lại cuộc sống nghèo khổ trước kia nữa. Tôi hỏi Thanh: “Liệu Thanh có thể chịu được cuộc sống trước kia không khi đã quen ăn trắng mặc trơn trong một quãng thời gian không ngắn?”. Thanh bùi ngùi: “Một lần lầm lỡ đối với Thanh là quá đủ, Thanh không muốn tiếp tục phạm sai lầm thêm một lần nữa. Em tin vào tình yêu của chồng dành cho em vì hai vợ chồng đã trải qua không ít sóng gió để đến với nhau. Nhưng nếu anh ấy không còn yêu em nữa, em sẽ để anh ấy được tự do bắt đầu một cuộc sống mới".

Tôi đã từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều người dân tộc. Họ thật thà, thẳng thắn nhưng cũng rất rộng lượng, thế nên họ sẵn sàng tha thứ nếu như đối phương biết nhận sai lầm và sửa chữa những sai lầm đó. Vẫn biết rằng, đường về nhà của những cô gái đã từng lầm lạc như Thanh còn nhiều gian nan nhưng không phải đã hết hoàn toàn hy vọng. Điều quan trọng là họ phải dám bước qua được ranh giới của chính mình để đúng dậy làm lại từ đầu.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Tiểu Phi (Nguồn Báo mới)

Top