Phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng

09/10/2021 07:48

Những năm gần đây, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã xây dựng, mở rộng nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả đã góp phần phát hiện, xử lý không ít vụ việc phức tạp phát sinh, qua đó giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thời gian tới, các ngành, đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng các mô hình theo hướng dựa vào cộng đồng.

Đại diện cơ quan chức năng tư vấn điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho người nghiện ma túy (người ngồi bên phải) ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân.

Nhiều mô hình hiệu quả

Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm... được triển khai ở 100% các xã, phường, thị trấn. Có thể kể đến là mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”; “Xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”; “Đội công tác xã hội tình nguyện”...

Cùng với đó, các đơn vị, địa phương đã, đang triển khai thí điểm nhiều mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng, như: “Câu lạc bộ Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” (Câu lạc bộ B93); “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”; “Hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội”; “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới”...

Trong quá trình triển khai, các đơn vị cấp cơ sở đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến với người dân. Chẳng hạn, tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), các lực lượng chức năng liên tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp nghi ngờ”. Địa bàn tập trung rà soát là các khu chung cư, khu đô thị mới, nhà thuê trọ... Kết quả, từ đầu năm 2021 đến nay, phường Nhân Chính không có điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội...

Tại quận Hoàng Mai, ông Lê Văn Họa, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Thịnh Liệt cho biết, trước đây, hoạt động mại dâm trên địa bàn phường diễn biến khá phức tạp, nhất là ở khu vực đường Giải Phóng, đoạn từ Đuôi Cá xuống khu vực cầu Tiên, thường có những phụ nữ đứng bên đường... “đón khách”. Để triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về mại dâm, từ năm 2019 đến nay, Đội công tác xã hội tình nguyện phường Thịnh Liệt cùng lực lượng chức năng và nhóm Sao đêm (nhóm tập hợp những người từng hoạt động mại dâm, nay đã làm những công việc đúng đắn) tìm cách tiếp cận và hỗ trợ về nhiều mặt cho 100 người bán dâm...

Tiếp tục dựa vào cộng đồng

Trên thực tế, các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng đang phát huy hiệu quả. Từ đầu năm 2021 đến nay, Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện hơn 11.000 lượt tuần tra, rà soát các địa bàn, khu vực giáp ranh; đồng thời thu hơn 300 thông tin phản ánh, tố giác tội phạm để cung cấp cho chính quyền, cơ quan công an. Hệ thống 36 Câu lạc bộ B93 hoạt động thường xuyên đã tổ chức được 375 buổi sinh hoạt với hàng nghìn lượt hội viên. Các mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng đang tư vấn, điều trị cho hàng trăm lượt người...

Hiệu quả của các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng còn được thể hiện rõ hơn bằng những con số “biết nói”. Thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan chức năng đã đưa 966 người đi cai nghiện bắt buộc, đạt 107,3% kế hoạch cả năm; tổ chức điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 1.060 người, đạt 96,4% kế hoạch cả năm, tăng hơn 200 người so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, các địa phương đã ra quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 1.129 người nghiện ma túy... Đặc biệt, hơn 96% số người sau thời gian cai nghiện ma túy nhận được sự quan tâm, quản lý, giúp đỡ của các cơ quan chức năng và cộng đồng, số còn lại không có mặt ở  địa phương hoặc đã qua đời. Nhận được sự giúp đỡ thường xuyên về nhiều mặt, 73% số người không tái nghiện sau thời gian cai nghiện một năm. Sau hai năm, tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức khoảng 70%...

Về hoạt động mại dâm, từ thông tin phản ánh của người dân kết hợp với biện pháp nghiệp vụ, các lực lượng chức năng đã kiểm tra đối với hơn 2.600 cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, qua đó phát hiện, xử phạt, đình chỉ kinh doanh 407 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã triệt xóa một số tụ điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm như khu vực đường 72, giáp ranh giữa địa bàn phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) với phường Dương Nội (quận Hà Đông); khu vực đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai)...

Từ kinh nghiệm triển khai, ông Nguyễn Tiết Cương, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hoàng Mai khẳng định, các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng là giải pháp quan trọng để ngăn ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác thâm nhập vào cộng đồng. Do đó, các mô hình này cần được quan tâm duy trì hoạt động, từng bước nhân rộng.

Dưới góc độ quản lý, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, ngoài những giải pháp, mô hình đang triển khai, Chi cục đang xây dựng kế hoạch cai nghiện và quản lý sau cai giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phát triển các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025... để trình UBND thành phố xem xét, ban hành. Đó là định hướng quan trọng để các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội dựa vào cộng đồng.

Top