Đưa pháp luật đi vào cuộc sống

19/09/2021 18:31

Với việc đẩy mạnh phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, BĐBP Hà Giang đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới. Từ đó, người dân luôn đồng thuận và hỗ trợ tích cực cho BĐBP trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và đấu tranh, đẩy lùi các loại tội phạm, giữ bình yên khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thàng Tín, BĐBP Hà Giang phối hợp với công an địa phương tới từng gia đình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Duy Thái

Trung tá Kim Nhật Trung, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Hà Giang cho biết, những năm trước đây, việc người dân vi phạm hiệp định về quy chế quản lý biên giới, buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, chất nổ, chất cháy, lừa bán phụ nữ qua biên giới, trộm cắp tài sản và gia súc của nhân dân, di cư tự do... còn diễn ra thường xuyên. Song, hiện nay, tình trạng này đã giảm rõ rệt nhờ tác động tích cực của Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án).

Ngay khi Đề án được triển khai, căn cứ hướng dẫn của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án. Đồng thời, chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu cho UBND 7 huyện biên giới xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện Đề án và thường xuyên tham mưu, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về pháp luật, biên giới cho tuyên truyền viên. Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang cũng tích cực phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các cơ quan, đơn vị bám sát thực tiễn, tổ chức khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng, làm rõ những khâu yếu, mặt yếu trong tuyên truyền, PBGDPL, trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các cấp, các ngành triển khai toàn diện các biện pháp thực hiện Đề án.

“Hội đồng PBGDPL của tỉnh Hà Giang do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh là cơ quan Thường trực được tiến hành họp định kỳ hàng tháng để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện. Từ đó, tìm ra biện pháp khắc phục và đề ra phương hướng thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo. Hội đồng PBGDPL đã phân công từng thành viên phụ trách ở từng địa phương, thường xuyên đi cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, có chất lượng” - Đại tá Đào Hồng Hà, Phó Chính ủy BĐBP Hà Giang cho biết.

Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của trên, BĐBP Hà Giang chỉ đạo các đồn Biên phòng chủ động phối hợp với chính quyền các huyện biên giới tích cực tổ chức PBGDPL đến nhân dân trên khu vực biên giới, tập trung vào nội dung của các luật, Nghị định như: Luật Biên giới Quốc gia, 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Luật Thi hành án dân sự, Luật Phòng chống ma túy..., đặc biệt là tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong địa bàn, đấu tranh chống xuất, nhập cảnh trái phép, không tiếp tay cho hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.

Ngoài việc tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, một số đồn Biên phòng như Đồn Biên phòng Phó Bảng, Bạch Đích, Nghĩa Thuận... đã chủ động phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng tổ chức tuyên truyền, PBGDPL chung cho cư dân hai bên biên giới. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Một trong những nội dung của Đề án được triển khai hiệu quả là đã kết hợp tuyên truyền, PBGDPL với phát triển kinh tế, xã hội cho nhân dân khu vực biên giới. Các cán bộ BĐBP Hà Giang đã tích cực thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc), trực tiếp xuống địa bàn giúp đỡ nhân dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ bỏ các tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa...

Từ các mô hình kết hợp tuyên truyền, PBGDPL với thực hiện các chương trình, mô hình an sinh xã hội như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”... đã từng bước nâng cao đời sống, củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc nơi biên giới với Đảng, Nhà nước, Quân đội và BĐBP.

 Theo báo cáo của BĐBP Hà Giang, hiện nay, đã có 12 Tổ tuyên truyền pháp luật ở đồn Biên phòng; 34 Câu lạc bộ tư vấn pháp luật ở xã, thị trấn biên giới, với thành viên bao gồm cán bộ đồn Biên phòng, cán bộ tư pháp, văn hóa xã. Các Tổ tuyên truyền pháp luật, Câu lạc bộ tư vấn pháp luật đã tư vấn và giải đáp pháp luật cho trên 10.000 lượt người nghe. 100% các xã, thị trấn và đồn Biên phòng thuộc BĐBP Hà Giang đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả các tủ sách, ngăn sách pháp luật. Các đầu sách pháp luật thường xuyên được bổ sung, luân chuyển, kịp thời phục vụ nhu cầu cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Top