Công tác truyền thông về phòng chống ma túy được triển khai rộng khắp

22/07/2021 14:27

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong Tháng hành động phòng chống ma túy, các cơ quan báo chí đã tăng số lượng tin bài, nội dung, hình thức phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của giới trẻ trong công tác phòng, chống AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm, đặc biệt trong tình hình diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp.

Ảnh minh họa

Công tác truyền thông đã được triển khai rộng khắp, đã huy động được các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí và đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia tuyên truyền về các tệ nạn xã hội. Các cơ quan báo chí đã thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác thông tin tuyên truyền.

Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với từng nhóm người, văn hóa vùng, miền, địa phương; tăng cường tuyên truyền qua các chương trình của các đài truyền thanh, truyền hình bằng các chương trình văn hóa, văn nghệ… nhằm tạo phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy; thông tin, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, trên các trạm tin, bảng tin, cụm pano cổ động của địa phương.

Các hoạt động tuyên truyền cần được triển khai thiết thực, hiệu quả và bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của ngành y tế và của các địa phương. Các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy trong “Tháng hành động phòng, chống ma tuý”.

Theo đó, các Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền “Tháng hành động phòng, chống ma tuý”, “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” và “Ngày thế giới phòng, chống ma túy - 26/6” năm 2021 theo chủ đề “Vì sức khoẻ của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma tuý” tại buổi giao ban báo chí do địa phương tổ chức.

Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền “Tháng hành động phòng, chống ma tuý” bằng nhiều hình thức phong phú như: băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tài liệu, trên hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn; các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học.

Các cơ quan báo chí đã tăng thời lượng, cũng như tần suất các tin, bài trong Tháng hành động phòng, chống ma túy. Theo thống kê của Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia, Cục Báo chí, từ ngày 1/6/2021 đến ngày 10/7/2021, đã có 5.382 tin, bài phản ánh về công tác phòng, chống ma túy (trong đó: 3.219 tin, bài trên các cơ quan báo chí; 1.637 tin, bài trên chuyên trang và 526 tin, bài trên trang thông tin điện tử tổng hợp), các bài chủ yếu tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy (3.003 bài) và tuyên truyền mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy (819 bài). Các cơ quan báo chí có số lượng tin, bài lớn gồm: Chuyên trang Tiếng Chuông (tiengchuong.vn): 305 tin, bài; Báo điện tử Công an nhân dân: 125 bài; Báo điện tử Thanh niên: 83 bài; Báo điện tử Tin tức: 79 bài…

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế, in ấn tem, phong bì có các thông điệp, hình ảnh về phòng, chống AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm phục vụ cấp phát miễn phí tại các điểm phục vụ (bao gồm điểm bưu điện văn hóa xã) tại các tỉnh miền núi, tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia với số lượng: 30.000 tem, 30.000 phong bì.

Dịch vụ truyền thông trên phong bì, nhãn tem truyền thông qua hệ thống mạng lưới của Bưu điện Việt Nam là một dịch vụ mới; được triển khai trên hệ thống bưu điện Việt Nam với mạng lưới bưu điện trên 63 tỉnh thành cả nước với gần 13.000 điểm, mạng đường thư trong nước và quốc tế. Đây là dịch vụ truyền thông tiếp cận người dân một cách thân thiện và văn minh, đặc biết đối với đồng bào là người dân tộc.

Bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ huy động thêm các hình thức mới dựa trên nền tảng công nghệ số như (hệ thống viễn thông, mạng xã hội, mạng internet) nhằm phát huy ưu điểm, thế mạnh của công nghệ mới, nhanh chóng, kịp thời đến giới trẻ.

Top