Vừa chống dịch vừa đấu tranh quyết liệt với ma túy tại biên giới Sơn La

14/06/2021 09:50

(Chinhphu.vn) - Mặc dù dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp nhưng lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) cả nước nói chung, BĐBP Sơn La nói riêng đã thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ biên giới vừa phòng, chống dịch, trong đó xác định kiên quyết đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.

 Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La. Ảnh: Hoàng Giang

Nhân Tháng hành động phòng chống ma túy (tháng 6/2021), phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La về công tác phòng chống tội phạm ma túy trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

PV: Thưa Đại tá, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của tội phạm ma túy có những diễn biến, phương thức thủ đoạn mới như thế nào?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lực lượng BĐBP Sơn La đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai 51 chốt chặn trên biên giới, với 368 cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch kết hợp nắm tình hình, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy.

Phía ngoại biên đối diện, các lực lượng chức năng của bạn Lào cũng tổ chức thành lập các chốt phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Hiện nay, hai nước Việt Nam - Lào vẫn đang siết chặt các đường biên giới nên các đối tượng ở nội, ngoại biên không xuất, nhập cảnh qua biên giới nhưng vẫn tìm cách móc nối, giữ liên lạc với nhau (gọi điện thoại, gọi video qua messenger Facebook...) chờ thời cơ thuận lợi sẽ tiến hành các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy vào Việt Nam tiêu thụ.

Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thời gian gần đây có sự thay đổi: Khi thống nhất được giá cả và cách thức, thời gian giao dịch, chúng thuê người vận chuyển ma túy (tập trung số phụ nữ là đồng bào dân tộc ít người) đến các địa điểm giáp đường biên giới như: hang động, vách đá, hốc cây, lán nương, trên các khu vực rừng núi hiểm trở, hẻo lánh, không có người qua lại, sau đó chờ thời điểm để vận chuyển và giao dịch.

Từ công tác nghiệp vụ và kết quả đấu tranh với tội phạm ma túy 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, đối tượng phạm tội chủ yếu là quốc tịch Việt Nam, số ít là người Lào, đặc biệt thời gian gần đây số đối tượng phạm tội chủ yếu là người dân tộc ít người, giới tính nữ có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Trước bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, BĐBP tỉnh Sơn La xác định thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới vừa phòng, chống dịch, trong đó xác định kiên quyết đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.

6 tháng đầu năm 2021, BĐBP Sơn La đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ tổng số 78 vụ, 94 đối tượng, thu giữ hơn 28 kg ma túy các loại, cùng nhiều tang vật.

Vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới được kiểm soát hoàn toàn

PV: Vậy tại các điểm nóng về ma túy như Mộc Châu, Vân Hồ, tình hình như thế nào? Hoạt động trồng và tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn biên giới của tỉnh Sơn La đã được kiểm soát chưa, thưa Đại tá?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Từ năm 2017 trở về trước tình hình, hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang ở khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ diễn biến phức tạp. Các đối tượng tổ chức thành các toán từ 3 - 5 đối tượng (trang bị vũ khí quân dụng như: súng AK, K54, K59, lựu đạn…) hoặc thuê người để vận chuyển ma túy. Chúng đi tắt qua các khu rừng, vượt biên giới qua dãy núi Pha Luông vào các bản người Mông giáp biên giới của Việt Nam, sau đó vận chuyển ma túy vào sâu trong nội địa.

Từ khi triển khai thực hiện Kế hoạch số 892/KH-BTL ngày 26/3/2018 của Bộ Tư lệnh BĐBP về đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tần suất hoạt động của các toán nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang đã giảm hẳn.

6 tháng đầu năm 2021, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nòng cốt, chuyên trách là lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng Sơn La) đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nên hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ đã được kiểm soát hoàn toàn.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới được ổn định. Quần chúng nhân dân an tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phòng chống dịch bệnh COVID-19 và phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.  

Cùng với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma tuý ở khu vực biên giới, BĐBP tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và tổ chức cho quần chúng nhân dân ký cam kết không trồng, không tái trồng cây có chứa chất ma túy (mỗi năm có khoảng 3.000 hộ tham gia ký kết không trồng cây chứa chất ma túy và không tiếp tay cho các đối tượng mua bán vận chuyển các chất ma túy trên địa bàn biên giới).

Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện các chương trình, dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khu vực biên giới, tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất, phối hợp vận động thực hiện một số mô hình đạt hiệu quả như mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc; mô hình trồng cây chanh leo…từ đó làm chuyển đổi nhận thức của nhân dân từ chỗ sản xuất theo phương thức tự cung, tự cấp là chính, đến nay, phần lớn đồng bào các dân tộc chuyển sang sản xuất nông sản, hàng hóa theo cơ chế thị trường, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, do phong tục tập quán để lại nên một bộ phận nhỏ quần chúng nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc Mông còn trồng, tái trồng cây thuốc phiện. Niên vụ 2020-2021, BĐBP tỉnh Sơn La đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tỉnh triệt phá 200 m2 diện tích tái trồng cây thuốc phiện.

Bên cạnh đó, ở địa bàn ngoại biên đối diện, hoạt động trồng, tái trồng cây thuốc phiện vẫn xảy ra. BĐBP tỉnh Sơn La đã trao đổi với lực lượng bảo vệ biên giới Lào để có những biện pháp triệt phá. Chủ trương của lực lượng chức năng Lào là kiên quyết triệt phá, không để tái diễn hoạt động này. Niên vụ 2020-2021, BĐBP tỉnh Sơn La đã phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Lào triệt phá khoảng 15 ha diện tích trồng, tái trồng cây thuốc phiện.

BĐBP Sơn La triển khai chốt chặn trên biên giới vừa phòng, chống dịch kết hợp nắm tình hình, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Ảnh: Hoàng Giang

Đấu tranh với tội phạm gắn với phòng, chống COVID-19

PV: Để tiếp tục ngăn chặn hiệu quả ma túy thẩm lậu qua biên giới gắn với công tác phòng chống dịch COVID-19, BĐBP Sơn La tập trung vào các giải pháp nào trong thời gian tới, thưa Đại tá?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Để ngăn chặn có hiệu quả ma túy thẩm lậu qua biên giới, BĐBP tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các kế hoạch của Bộ Tư lệnh BĐBP; kế hoạch của Cục phòng chống ma túy và tội phạm; các kế hoạch của các Ban chỉ đạo 389 tỉnh Sơn La về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm gắn với phòng, chống COVID-19 trên địa bàn biên giới của tỉnh.

Đồng thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tuyên truyền, vận động quần chúng  nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống ma túy và tội phạm; đẩy mạnh các chương trình, mô hình phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới.

Chỉ đạo các đơn vị tăng cường lực lượng nắm tình hình, hoạt động của tội phạm tăng cường tuần tra biên giới, tuần tra kiểm soát địa bàn kết hợp với làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 để kịp thời phát hiện, xử lý các hoạt động phạm tội, nhất là hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.

Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng của Cục phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ tư lệnh BĐBP) sử dụng các phương tiện kỹ thuật để nắm hoạt động của tội phạm ma túy, nhất là nắm chắc về thời gian, quy luật hoạt động, đối tượng, trang bị vũ khí, đường hướng xâm nhập của các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ khí qua biên giới vào Việt Nam.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là Công an tỉnh Sơn La trong trao đổi thông tin, xác minh hoạt động của các đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh triệt xóa các điểm, các địa bàn phức tạp về ma túy; thực hiện có hiệu quả kế hoạch phối hợp giữa BĐBP tỉnh Sơn La với Công an tỉnh Sơn La về phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua tuyến biên giới Sơn La - Hủa Phăn, Sơn La - Luông Pha Băng (Lào) năm 2021.

Ngoài ra, thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến hoạt động của tội phạm với lực lượng Công an tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng (Lào), kịp thời phối hợp điều tra, xác minh, xác lập chuyên án đấu tranh chung nhằm ngăn chặn ma túy từ xa, từ ngoài biên giới.

Top