Vaccine COVID-19 mở ra triển vọng điều trị cho bệnh nhân HIV và ung thư

14/04/2021 17:35

(Chinhphu.vn) - Các nhà khoa học đang áp dụng công nghệ phát triển vaccine COVID-19 để nghiên cứu cách phòng ngừa, điều trị HIV/AIDS và ung thư.

 Ảnh minh họa

Đại dịch đã thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển các loại vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA. Công nghệ này có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Đây là một hướng tiếp cận của vaccine mà các nhà nghiên cứu tìm kiếm trong 25 năm qua.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas đang nghiên cứu mRNA như một phương pháp điều trị ung thư, ngăn bệnh tái phát.

Căn bệnh này tái phát do sự nhân lên của tế bào ung thư còn sót lại sau khi điều trị. Trong thử nghiệm đang ở giai đoạn hai với bệnh nhân ung thư đã cắt bỏ khối u và truyền hóa chất, các nhà nghiên cứu sử dụng vaccine mRNA được cá thể hóa.

TS. Van Morris, người đứng đầu thử nghiệm cho biết: "Chúng tôi hy vọng vaccine được cá thể hóa sẽ chuẩn bị cho hệ miễn dịch truy tìm các tế bào khối u còn sót lại, loại bỏ chúng và đẩy lùi bệnh tật".

Trong khi đó, Sáng kiến Quốc tế về Vaccine AIDS (IAVI) và Viện nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, đang hợp tác với các hãng dược như Moderna để khai thác công nghệ mRNA được sử dụng trong sản xuất vaccine COVID-19. Họ hy vọng công nghệ này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của vaccine HIV/AIDS.

Tương tự như cách vaccine COVID-19 gắn vào các protein gai của nCoV và tiêu diệt chúng, vaccine HIV có thể làm điều tương tự với các hạt HIV, William Schief, nhà miễn dịch học tại Viện Scripps, kiêm giám đốc phát triển vaccine tại Trung tâm Kháng thể Trung hòa thuộc IAVI, cho biết.

Trước đó, các nhà khoa học của IAVI và Viện Scripps cũng thử nghiệm một công nghệ khác nhằm tạo ra vaccine ngừa bệnh HIV/AIDS. Do HIV không chỉ đột biến nhanh chóng mà còn có nhiều phân nhóm khác nhau, họ đã phát triển loại vaccine giúp tạo ra "kháng thể trung hòa rộng rãi". Nhờ vậy, cơ thể có khả năng chống lại nhiều biến thể và đột biến của HIV, theo TS. Mark Feinberg, Giám đốc điều hành IAVI.

Trong thử nghiệm giai đoạn một, 48 người trưởng thành khỏe mạnh đã được tiêm hai liều vaccine hoặc giả dược, mỗi liều cách nhau hai tháng. Theo kết quả sơ bộ, 97% những người được tiêm phòng có khả năng tạo ra các kháng thể trung hòa rộng rãi. Mặc dù vaccine đã mang lại nhiều tín hiệu đáng mừng cho nền y tế, tuy nhiên, theo các chuyên gia, vaccine mới vẫn cần vượt qua thử thách trong thử nghiệm lớn hơn.
Top