Hà Nội: Vận động 2,1 nghìn người cai nghiện tự nguyện trong năm 2021

18/02/2021 17:51

Trong năm 2021, TP. Hà Nội đặt ra 11 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Học viên tại một cơ sở cai nghiện. Ảnh Nhật Thy


Theo kế hoạch triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021, Thành phố đặt mục tiêu năm 2021, phấn đấu 90% số người nghiện, người sử dụng ma túy có mặt tại cộng đồng có hồ sơ quản lý trên địa bàn Thành phố được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, trong đó: Lập hồ sơ và đưa 900 người nghiện đi cai nghiện ma túy bắt buộc theo biểu chỉ tiêu công tác phòng, chống ma túy; tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và tại cộng đồng cho 1.100 người; vận động 2.100 người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của thành phố. Đồng thời tổ chức cai nghiện, điều trị cắt cơn nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ngoài công lập cho 1.000 người nghiện ma túy; duy trì điều trị bằng thuốc thay thế Methadone cho 4.986 bệnh nhân đang điều trị năm 2020 chuyển sang năm 2021; vận động 1.500 người nghiện các chất dạng thuốc phiện điều trị bằng thuốc thay thế Methadone, phấn đấu cuối năm 2021 lũy tích có 6.500 bệnh nhân được điều trị thay thế bằng Methadone.

Thành phố cũng đạt mục tiêu phấn đấu 100% người hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy được quản lý sau cai, được tư vấn, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tạo việc làm với các hình thức phù hợp. Phát triển mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại các địa phương, ít nhất mỗi quận/huyện/thị xã áp dụng 01 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy hiệu quả; tiếp tục duy trì hoạt động 36 Câu lạc bộ B93 tại các địa phương, phấn đấu có 80% Câu lạc bộ có số buổi và thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn, hiệu quả.

Tổ chức dạy nghề cho 500 người cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy; hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho 30 người sau cai nghiện ma túy và hộ gia đình người sau cai nghiện tại cộng đồng.

Để hoàn thành mục tiêu, UBND Thành phố triển khai 11 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, người dân, học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy; cách nhận biết và nâng cao kỹ năng phòng, chống ma túy. Rà soát, xác định phân loại người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy để quản lý; đẩy mạnh tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng; tăng cường lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy; vận động người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện; tích cực phát hiện người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định để lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phối hợp chặt chẽ trong công tác lập hồ sơ, xét duyệt đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Tiếp tục triển khai và duy trì các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Mở rộng các hoạt động kết nối, triển khai các điểm vệ tinh của cơ sở tại cộng đồng.

Thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, có hiệu quả công tác quản lý người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng, phòng ngừa tái nghiện. Duy trì nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Câu lạc bộ B93 ở các xã, phường, thị trấn áp dụng mô hình. Phát triển mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại các địa phương, ít nhất mỗi quận/huyện/thị xã áp dụng 01 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy hiệu quả. Tích cực phát huy vai trò của lực lượng Tình nguyện viên trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, mỗi Tình nguyện viên tham gia quản lý, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ tối thiểu 02 người tham gia cai nghiện ma túy tại cộng đồng hoặc sau cai nghiện ma túy.

Tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng của 14 phường, xã thuộc 7 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Long Biên, Nam Từ Liêm và Hoàn Kiếm. Tham mưu xây dựng chính sách về chế độ trợ cấp đặc thù đối với viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn thành phố...


Top