Ứng dụng hẹn hò đẩy nhanh sự lây lan căn bệnh thế kỷ

08/01/2021 13:53

Tại Trung Quốc, ứng dụng hẹn hò đang làm cho giới trẻ, thậm chí cả người cao tuổi lây nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng nhanh chóng.

 Hình minh họa

Khi các ứng dụng hẹn hò trở nên phổ biến, việc tìm kiếm bạn tình của người Trung Quốc trở nên thuận tiện hơn. Tuy nhiên, lỗ hổng trong giáo dục giới tính ở các trường học khiến nhiều người trẻ bị lây nhiễm HIV/AIDS.

Ông Xiao Dong, Giám đốc Man Wellness Centre - Trung tâm xét nghiệm HIV có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: "Ứng dụng hẹn hò đẩy nhanh sự lây lan của căn bệnh này".

Không chỉ người trẻ Trung Quốc đứng trước nguy lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Ở những người lớn tuổi, tình trạng cô đơn và thiếu thốn trong chuyện chăn gối cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng những ca nhiễm HIV mới.

Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC), số ca nhiễm HIV ở những người trên 50 tuổi tăng hơn 11 lần từ năm 2007 đến năm 2017, từ hơn 2.000 lên gần 30.000 ca.

Shao Yiming, chuyên gia hàng đầu về HIV tại CDC, cho biết bệnh nhân cao tuổi nhất nhiễm HIV là 93 tuổi. "Ở tuổi 91, người này rất khỏe mạnh. Năm 93 tuổi, cụ nhiễm HIV", ông Shao cho biết.

Sự gia tăng HIV ở Trung Quốc trong thập kỷ qua đi ngược lại với xu hướng toàn cầu. Năm 2019, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ghi nhận 131.000 người nhiễm HIV. Vào năm 2007, con số này chỉ ở mức dưới 33.000 người. Năm 2020, có 95% ca nhiễm HIV mới là do lây qua đường tình dục, 70% lây từ bạn tình khác giới.

Trong khi đó, tại Mỹ vào năm 2018 chỉ có 38.000 trường hợp nhiễm mới. Năm 2019, số bệnh nhân mắc HIV trên toàn thế giới là 1,7 triệu người.

Ông Xiao Dong cho biết đang thúc giục Chính phủ Trung Quốc kêu gọi tăng cường công tác truyền thông, và các công ty công nghệ cần phải có những giải pháp để bảo vệ thế hệ thanh thiếu niên và phổ cập kiến thức về tình dục an toàn. Các ứng dụng hẹn hò "cần thực hiện trách nhiệm xã hội. Họ phải làm điều đó", ông Xiao nói.

Trước khi công nghệ thay đổi Trung Quốc, giới chức ngại ngần trong việc giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ em. Chỉ gần đây, họ mới bắt đầu làm điều này.

Trong vài thập kỷ qua, các trường học Trung Quốc đều yêu cầu học sinh tự học về sinh sản trong các tiết sinh học hoặc chỉ dạy một vài buổi về chu kỳ kinh nguyệt. Hành vi tình dục đúng đắn, cách xây dựng mối quan hệ với người khác giới hay vấn đề về giới tính và bản dạng giới thường bị bỏ qua, hoặc hoàn toàn không đề cập đến.

Ông Huang Haojie, Giám đốc điều hành Trung tâm LGBT Vũ Hán, cho biết: "Chúng tôi đã nghe nói về các bệnh nhân bị HIV ở độ tuổi 13-15. Hầu hết đều lây qua đường tình dục".

Theo CDC Trung Quốc, số bệnh nhân HIV mới trong độ tuổi từ 10 đến 15 tăng từ 881 lên 3.388 người mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2017. Năm 2017 và 2018, khi Huang giảng dạy các tân sinh viên về nguy cơ lây nhiễm HIV, một quan chức đã yêu cầu ông tránh nói về các hành vi tình dục cụ thể hay trưng bày bao cao su, bởi như vậy là quá "nhạy cảm" với người 18-20 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm HIV khiến tư duy này thay đổi nhanh chóng. Năm 2019, chính trường đại học đó khẩn cầu Huang thảo luận chi tiết về tình dục và cách sử dụng bao cao su, bởi trường phát hiện một vài sinh viên nhiễm HIV.

Tháng 11/2019, Trung Quốc bắt buộc giáo dục giới tính tại các trường học trong bối cảnh phải vật lộn với vấn đề quấy rối, bất bình đẳng giới và sự lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Ông Huang nói phần lớn xã hội Trung Quốc tin rằng đa số những người nhiễm HIV là do đồng tính. Đó là một quan niệm sai lầm. Khẳng định quan điểm đó là sai lầm, ông Xiao cho biết: "Một số trường học nói với học sinh rằng đừng đồng tính hoặc đừng cố trở thành người đồng tính để cho vui vì sẽ bị HIV".

Trong khi đó, tại một số khu vực khác lại cho thấy sự gia tăng nhanh chóng lây nhiễm HIV trong nhóm người cao tuổi. Trong 3 thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc diễn ra nhanh chóng. Hàng triệu thanh niên rời khỏi các vùng nông thôn và thị trấn nhỏ để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn tại thành phố. Kết quả, nhiều người già bị bỏ lại một mình. Họ cảm nhận sự cô đơn và đã tìm kiếm bạn tình mới để cải thiện tình trạng đó.

Rất nhiều người lớn tuổi bỏ qua biện pháp phòng ngừa an toàn, vì họ cho rằng bản thân không có nguy cơ truyền nhiễm. Họ nghĩ HIV là bệnh của người trẻ. Zhang nhận định: "Hầu hết người lớn không thích nói chuyện về đời sống tình dục của họ với người khác, kết cục là họ dùng những kiến thức lạc hậu giữa thời đại mà HIV đang lan rộng hơn và nguy cơ lây nhiễm ngày càng cao hơn trước".
Top