Đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm ở khu vực biên giới

03/01/2021 12:23

Trong năm 2020, không chỉ ngày đêm căng sức trên tuyến đầu ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch COVID-19, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tập trung đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm ở khu vực biên giới, xác lập, đấu tranh thành công nhiều chuyên án triệt phá các đường dây tội phạm hoạt động quy mô lớn, xuyên quốc gia.

BĐBP tỉnh An Giang bắt giữ 2 nghi phạm vận chuyển trái phép 40 kg ma túy đá từ Campuchia về Việt Nam vào ngày 8/5/2020

Đấu tranh thắng lợi hơn 100 chuyên án lớn

Theo Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP), những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới cơ bản ổn định, tuy nhiên hoạt động các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Tội phạm ma túy có sự liên kết chặt chẽ trong ngoài biên giới hình thành các tổ chức, đường dây tội phạm quy mô lớn; xuất hiện nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do đối tượng người nước ngoài cầm đầu vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào, Campuchia vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm do các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, siết chặt kiểm soát việc qua lại biên giới để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên hoạt động lợi dụng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất để buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực cửa khẩu, lối mở diễn ra phức tạp.

Tuyến biên giới đất liền, nổi lên hoạt động buôn lậu nguyên liệu thuốc bắc, tân dược, thực phẩm đông lạnh, pháo, điện gia dụng, hàng tiêu dùng, thuốc lá, đường cát, bia, rượu, hàng điện tử, ngoại tệ, kim loại quý. Trong những thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động vận chuyển trái phép khẩu trang y tế, vật tư phục vụ phòng, chống dịch qua biên giới diễn biến phức tạp (BĐBP chủ trì, phối hợp bắt giữ trên 5,6 triệu chiếc khẩu trang).

Tuyến biển nổi lên hoạt động buôn lậu xăng dầu, khoáng sản (than, quặng) trên vùng biển Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nam Bộ, lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu thuốc lá, hàng đông lạnh trên các vùng biển Đông Bắc.

Hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Địa bàn trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các tỉnh Tây Nam Bộ. Các đối tượng lợi dụng môi giới hôn nhân, môi giới lao động, môi giới cho, nhận con nuôi, mang thai hộ, lợi dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân.

Trước tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP; chủ động xây dựng triển khai Kế hoạch số 1573/KH-BTL về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; hàng năm xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch công tác phòng chống ma túy và tội phạm và các kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của Chính phủ, Bộ Quốc phòng.

Các đơn vị đã tập trung đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm ở khu vực biên giới, xác lập, đấu tranh thành công nhiều chuyên án triệt phá các đường dây tội phạm hoạt động quy mô lớn, xuyên quốc gia. Năm 2020 (tính đến 26/11/2020), các đơn vị BĐBP đã kết thúc thắng lợi 121 chuyên án; chủ trì, phối hợp, bắt giữ, xử 12.282 vụ, 41.902 đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật.

Trong đó, tội phạm ma túy 867 vụ, 1.425 đối tượng, thu giữ 3,114 tấn ma túy các loại; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới  1.708 vụ, 960 đối tượng, tạm giữ hàng hóa để điều tra xác minh gần 81,4 tỷ đồng; mua bán người 11 vụ, 22 đối tượng, giải cứu 27 nạn nhân; vũ khí, vật liệu nổ 36 vụ, 43 đối tượng, thu giữ 781,5 kg thuốc nổ, 44 khẩu súng các loại và 5.195 viên đạn... Đã khởi tố 608 vụ, 838 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 4.331 vụ, 7.959 đối tượng.

Thời gian tới, hoạt động của các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy gia tăng, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, nguy hiểm; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, khai thác trái phép khoáng sản, lâm sản xảy ra trên nhiều địa bàn. Tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó dự báo, tác động, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phòng chống ma túy và tội phạm của BĐBP.

Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Không để bị động bất ngờ

Theo Đại tá Bùi Văn Lua, công tác phòng chống ma túy và tội phạm cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác phòng chống ma túy và tội phạm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng chống ma túy và tội phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Nắm chắc, dự báo đánh giá sát hoạt động của tội phạm, không để bị động bất ngờ. Trong tổ chức đấu tranh phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa thường xuyên với tổ chức các đợt cao điểm; giữa đấu tranh trên diện rộng với tập trung vào đối tượng, địa bàn trọng điểm.

Chủ động điều tra, phát hiện, xác lập chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm hoạt động quy mô lớn, xuyên quốc gia như tội phạm ma tuý, buôn lậu, mua bán người, vũ khí, vật liệu nổ; tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, chủ động phát hiện, ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật ngay từ biên giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động sâu rộng phong trào quần chúng nhân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, xây dựng địa bàn lành mạnh không có tội phạm, tệ nạn xã hội.

Tiếp tục thực hiện có chiều sâu các quy chế, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Hải Quan, Cảnh sát biển... trong trao đổi thông tin, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh triệt phá đường dây, tổ chức tội phạm.

Đồng thời duy trì, củng cố và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với lực lượng chức năng các nước tiếp giáp, nhất là với Lào trong phòng chống tội phạm, triển khai các phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, xây dựng củng cố biên giới hoà bình hữu nghị và cùng phát triển.

Top