Khánh Hòa: Trở thành địa phương có số người nhiễm ở mức trung bình

23/12/2020 14:09

10 năm trở lại đây, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Khánh Hòa cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã thoát ra khỏi danh sách tỉnh, thành trọng điểm về dịch HIV/AIDS, trở thành địa phương có số người nhiễm ở mức trung bình.

 

 Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TT PC HIV/AIDS Khánh Hòa

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.170 người nhiễm  HIV/AIDS còn sống và đang được quản lý tại các địa phương. Trong đó, số nhiễm mới từ đầu năm đến nay là 65 người, số người chuyển sang AIDS là 23 người, số tử vong do AIDS là 14 người. So với cùng kỳ năm ngoái, số nhiễm mới HIV được phát hiện tăng 16%, số tử vong không tăng.

Hằng năm, mô hình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tư vấn, xét nghiệm cho hơn 11.000 lượt phụ nữ mang thai. Do được phát hiện và dự phòng lây truyền sớm nên nhiều trẻ có mẹ nhiễm HIV sinh ra có kết quả âm tính với HIV…

Thực hiện phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS, 7 tháng năm 2020, ngành Y tế tỉnh đã tư vấn, xét nghiệm HIV cho hơn 24.180 lượt người; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 516 người; điều trị ARV cho hơn 940 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có 26 trẻ em.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh giám sát trọng điểm HIV/STIs trên 2 nhóm phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới tại 3 địa phương là Nha Trang, Ninh Hòa và Cam Ranh; duy trì mô hình nhóm giáo dục đồng đẳng viên với số lượng 46 người…

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hằng năm, toàn tỉnh có hơn 1.500 lượt người nghiện chích ma túy được nhận bơm kim tiêm sạch, 1.300 lượt phụ nữ bán dâm và 1.000 lượt nam đồng tính có quan hệ tình dục được nhận bao cao su miễn phí.

Công tác tư vấn, xét nghiệm HIV được triển khai hầu hết ở các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân. Mỗi năm, gần 30.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Các cơ sở y tế công lập được kiện toàn cơ sở vật chất, triển khai hoạt động tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. 100% trạm y tế có thể cấp thuốc ARV.

Với những kết quả đạt được, Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tiến tới chấm dứt AIDS vào năm 2030. Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống đã triển khai; đẩy mạnh chương trình điều trị HIV dự phòng trước phơi nhiễm PrEP cho các đối tượng nguy cơ cao ở các huyện, thị xã, thành phố.
Top