Đắk Lắk: Hơn 90% bệnh nhân HIV được hưởng lợi BHYT

18/12/2020 16:10

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến tháng 10/2020 tại 3 cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm HIV trên toàn tỉnh có 621 bệnh nhân tham gia điều trị, trong đó 560 bệnh nhân đã có BHYT (chiếm tỷ lệ 90,1%), hiện còn 61 bệnh nhân chưa có BHYT (chiếm tỷ lệ gần 9,9%).

 BHYT bảo đảm cho bệnh nhân điều trị bền vững. Ảnh: Thùy Chi

Từ năm 2015 trở về trước, 90% kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam do các tổ chức quốc tế tài trợ; đến năm 2017 việc tài trợ này bị giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt việc điều trị cho bệnh nhân AIDS.

Để bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm HIV/AIDS, hướng tới bao phủ BHYT toàn dân, Việt Nam đang dần dành ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và hướng đến chi trả chăm sóc sức khỏe, điều trị ARV cho người nhiễm HIV qua BHYT.

Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh.

Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân có BHYT chiếm 86,46% (377/436), trong đó 108 trường hợp được hưởng mức 100%, 19 trường hợp hưởng mức 95% và 250 trường hợp hưởng mức 80%. Đối với 2 cơ sở điều trị là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, tỷ lệ có BHYT lần lượt là: 100% (54/54) và 98,4% (129/131).

Người tham gia BHYT nhiễm HIV khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc, điều trị liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT (trừ trường hợp đã được các nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả), được Quỹ BHYT chi trả gồm: Thuốc kháng HIV (trừ trường hợp đã được nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả); xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh; xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Những năm qua, nhờ sự tư vấn, điều trị của các y bác sĩ, rất nhiều bệnh nhân không những được điều trị khỏe mạnh mà còn hòa nhập tốt với cộng đồng. Đặc biệt, không ít bệnh nhân HIV đã sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV. Theo số liệu của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, trong 9 tháng năm 2020, đã có 11 sản phụ mắc HIV được điều trị ARV sinh con và nhờ được điều trị đầy đủ nên hầu hết các em bé sinh ra đều không bị lây nhiễm bệnh; trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV đều được dự phòng ARV ngay từ khi mới sinh. Cơ chế chính sách thông thoáng trong khám, tư vấn và điều trị đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những bệnh nhân HIV, khi họ có thể ngay lập tức được điều trị bằng ARV nếu có kết luận dương tính với HIV và chỉ số CD4 là 500 tế bào/mm3.

Để góp phần ngăn ngừa và giảm số người nhiễm HIV trong cộng đồng, thời gian vừa qua, địa phương đã đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại như: cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K); tăng cường truyền thông về nguy hại của vi rút HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ để khuyến khích người có nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng trước phơi nhiễm; tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia chương trình điều trị Methadone. Trong 9 tháng năm 2020, đã tổ chức 9.782 lượt truyền thông phòng chống HIV/AIDS trực tiếp cho 1.342.404 lượt người.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh các dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, truyền thông chương trình can thiệp giảm tác hại và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời tìm hướng giúp đỡ các bệnh nhân mắc HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn được sử dụng thuốc ARV qua bảo hiểm xã hội.

 Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2.477 trường hợp nhiễm HIV, 1.431 bệnh nhân AIDS và 479 người tử vong do AIDS. Riêng 9 tháng năm 2020 có 109 bệnh nhân mới mắc bệnh và 167 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS.
 
Top