Hà Nội: Số ca được xét nghiệm tăng gấp 10 lần so với năm 2010

17/12/2020 09:00

Đạt được kết quả này là do Hà Nội đã cải tiến về kỹ thuật và mở rộng quy mô. Ngành Y tế Hà Nội đã mở rộng cơ sở xét nghiệm khẳng định tại các bệnh viện thành phố và trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Hiện nay, toàn TP. Hà Nội có 73 phòng xét nghiệm sàng lọc, 11 cơ sở y tế được cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định HIV.

Số ca nhiễm mới giảm dần

Theo số liệu thống kê của ngành Y tế Hà Nội, đến nay, số ca mới phát hiện nhiễm HIV trên địa bàn có xu hướng giảm dần. Giai đoạn 2001-2010 Thành phố phát hiện 16.558 ca mới nhiễm HIV thì đến giai đoạn 2011-10/2020 phát hiện giảm xuống 10.412 ca, trong đó 1.568 trường hợp ngoại tỉnh điều trị tại Hà Nội.

Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nhờ vậy tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị trong cộng đồng đã được cải thiện rõ rệt. Người nhiễm HIV đã chủ động tham gia điều trị, nhiều người công khai tình trạng nhiễm và có đóng góp cho cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS như tham gia truyền thông, tư vấn tuân thủ điều trị... cho các bệnh nhân khác.

Từ việc hợp tác của đối tượng lây nhiễm đã góp phần cho các chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai đồng bộ. Cụ thể, đến nay, chương trình cấp phát bao cao su và bơm kim tiêm tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã. Khoảng 80% người tiêm chích ma túy, gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, vợ/chồng, bạn tình người nhiễm HIV/AIDS đã được tiếp cận với chương trình cấp phát bao cao su.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: 10 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố đã có 6.712 người nghiện chích ma túy đã được nhận bơm kim tiêm, 2.582 phụ nữ mại dâm và 5.708 người nam có quan hệ tình dục được tiếp cận chương trình bao cao su. Ngoài ra, còn có 941.649 bơm kim tiêm, 1.477.926 bao cao su được phát miễn phí cho đối tượng có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả chương trình can thiệp dự phòng và đẩy mạnh điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả nhất trong cộng đồng, đặc biệt là qua đường tình dục và từ mẹ truyền sang con.

Đột phá mới trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV

Để đáp ứng tình hình thực tiễn, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt mở 18 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, hiện thành phố đang điều trị cho 4.992 bệnh nhân. Ông Hoàng Đức Hạnh cho hay, trong năm 2020, Sở Y tế tiếp tục thẩm định để mở mới 6 cơ sở điều trị Methadone theo Quyết định số 3271/QĐ-UBND TP tại 5 quận, huyện.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện kế hoạch triển khai mô hình Cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại xã Minh Châu, Thái Hòa thuộc huyện Ba Vì. Sở Y tế phối hợp với Sở LĐTB&XH tổ chức triển khai điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố.

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, điều trị ARV sớm góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS. Để tăng số bệnh nhân điều trị sớm, thành phố đẩy mạnh biện pháp xét nghiệm phát hiện ca nhiễm HIV.

Từ hình thức xét nghiệm truyền thống là khách hàng đến xét nghiệm, năm 2020 thành phố đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác (xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm).

Các biện pháp tiếp cận online đối với những đối tượng có nguy cơ cao cũng được triển khai thực hiện. Kết quả đã có 368.036 trường hợp được xét nghiệm tại cộng đồng, xét nghiệm miễn phí tại các trung tâm y tế, bệnh viện. Qua đó phát hiện 1.995 trường hợp dương tính, tăng 70 ca nhiễm mới so với năm 2019.

Thực tế đã chứng minh hiệu quả của việc điều trị ARV sớm không chỉ cứu sống người bệnh mà còn là biện pháp dự phòng lây nhiễm hiệu quả nhất trong cộng đồng, đặc biệt là qua đường tình dục và mẹ truyền sang con. Kể từ khi bắt đầu triển khai điều trị ARV từ năm 2004 tại Bệnh viện Đống Đa đến nay Hà Nội đã mở rộng thành 23 cơ sở.

Ngoài ra, có 8 trung tâm chữa bệnh – giáo dục lao động xã hội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội và trại giam Thanh Xuân, trại giam Suối Hai tham gia hỗ trợ điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS. 100% các cơ sở điều trị được duy trì đủ thuốc kháng virus HIV và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân. Số bệnh nhân điều trị ARV tăng dần qua các năm, tính đến cuối tháng 10/2020 là 14.583 người. Đã có 97,6% người bệnh được xét nghiệm tải lượng virus có kết quả <1000cp/ml máu; 94% bệnh nhân <200cp/ml máu, đồng nghĩa với không có khả năng lây cho người khác qua quan hệ tình dục.

Về chương điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), Sở Y tế Hà Nội coi đây là một đột phá mới trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV. Chương trình được triển khai tại Hà Nội từ năm 2018 đến nay đã có 2.026 người đang điều trị. Chương trình đã giúp cho những người nguy cơ cao trên địa bàn tránh được căn bệnh thế kỷ, đặc biệt là trong cộng đồng MSM, đây là nhóm Bộ Y tế đang cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong các nhóm nguy cơ.
Top