Bí kíp ươm mầm thiện của cô quản giáo trẻ

12/12/2020 11:03

“Mình chịu khó khám phá điểm mạnh của họ, lấy đó để khuyến khích họ phấn đấu cải tạo nhưng nếu có vi phạm thì phải kiên quyết chứ không được chùn bước hay cho qua. Dù muốn dù không thì điều đầu tiên là bản thân mình là cán bộ phải luôn trau dồi kiến thức, nắm chắc và nắm bắt kịp thời những qui định của pháp luật để áp dụng vào công việc”. Đó là lời chia sẻ của Thượng úy Nguyễn Thị Lan Thảo, quản giáo đội B “đặc biệt” ở trại giam Hoàng Tiến.

Khơi gợi bản tính thiện lương trong mỗi con người

Là một quản giáo trẻ nhưng nhiều năm qua, Lan Thảo giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi quản giáo giỏi của đơn vị, của cụm và của Cục do Cục Cảnh sát quản lí trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10) Bộ Công an tổ chức diễn ra 2 năm một lần.

Được Ban giám thị trại giam Hoàng Tiến giới thiệu một nữ quản giáo đang phụ trách một đội phạm nhân đặc biệt, chúng tôi không nén nổi tò mò bởi nhiều lẽ. Thứ nhất đó là cán bộ này còn trẻ lại là nữ và phạm nhân thì toàn là những thành phần ngang ngạnh, có nhiều vi phạm, bị kỷ luật từ các đội khác thu gom về. Khi nữ quản giáo đó xuất hiện, chúng tôi khá bất ngờ vì không tin “nữ tướng” ấy lại không giống như suy nghĩ của mình. Chị là một cô gái có dáng bé nhỏ, mỏng manh và gương mặt trái xoan dễ mến. Người phụ nữ mà chúng tôi muốn nhắc đến đó chính là Thượng úy Lan Thảo, một cán bộ quản giáo trẻ của trại giam Hoàng Tiến.

- Em bé nhỏ thế này có khi nào cảm thấy “lép vế” trước những phạm nhân to khỏe và cứng đầu không?, chúng tôi hỏi.

Lan Thảo cười nhẹ, đôi mắt hiền lành lấp lánh: “Ngày mới bước vào nghề cũng thấy lo lắm, nhưng bên ngoài vẫn phải tỏ ra cứng rắn. Nhưng đấy là thời gian đi thực tập thôi chứ sau này ra trường, quá trình đi làm, được các anh chị chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin thường xuyên nên vững vàng hơn”.

Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2013, Lan Thảo về trại giam Hoàng Tiến công tác từ đó đến nay đã gần chục năm. Chị chia sẻ, do học đúng chuyên ngành trại giam nên từ khi về đơn vị công tác, Lan Thảo được giao phụ trách đội phạm nhân nữ. Lan Thảo cho biết, thời gian đầu còn bỡ ngỡ với công việc, cô thường tâm sự với chồng và được anh chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra biện pháp tháo gỡ. Từ sự dìu dắt của chồng và của anh em cùng đơn vị, Lan Thảo nhanh chóng trưởng thành và từ những kết quả đã làm được, cô được Ban giám thị gửi gắm niềm tin khi giao cho cô phụ trách đội phạm nhân đặc biệt. Hỏi Thảo phụ trách đội này lâu chưa, nữ quản giáo trẻ cho biết từ năm 2018, khi cô giành giải nhất cụm cuộc thi quản giáo giỏi do C10 tổ chức.

- Quản lý người lầm lỗi đã khó, giáo dục người thường xuyên vi phạm trở nên tiến bộ lại càng khó hơn. Em làm được điều đó chắc hẳn phải có bí quyết riêng chứ?

Trước câu hỏi của chúng tôi, nữ quản giáo trẻ lại cười. Lan Thảo thú thật rằng, chẳng có bí quyết gì ngoài việc phải chịu khó đầu tư thời gian để tìm hiểu sâu hơn về những con người mà mình đang phụ trách.

“Dù thế nào thì họ cũng là con người, đương nhiên sẽ có yêu ghét nên mình phải tìm hiểu xem khi họ rời xa gia đình vào đây thi hành án, họ day dứt nhớ thương ai và việc họ tỏ thái độ bất mãn là vì nguyên nhân gì. Mình chịu khó khám phá tìm tòi và khi nắm bắt được thì lựa trên những mặt mạnh, mặt yếu của họ mà khuyến khích động viên, giúp họ phát huy sở trường, sở đoản, hướng tới mục tiêu cải tạo tốt”, Lan Thảo chia sẻ.

Thượng úy Nguyễn Thị Lan Thảo đang trò chuyện với một phạm nhân

Hai tấm gương điển hình

Hai nhân vật điển hình dưới sự dìu dắt của Thượng úy Lan Thảo trở nên tiến bộ phải nhắc đến chính là phạm nhân Nguyễn Thị Thủy và Cao Thị Hương, đều ở Quảng Ninh. Thủy đi tù về tội mua bán người còn Hương vào trại cải tạo vì mua bán ma túy. Mặc dù cả hai nữ phạm nhân này đều vào trại giam vì những lý do khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm là chịu mức án dài, thường xuyên vi phạm kỷ luật và đều không được gia đình thăm gặp.

“Khi về được chuyển về đội của tôi, phạm nhân Nguyễn Thị Thủy đã thuyên chuyển rất nhiều đội lao động và có tới 6 lần bị kỷ luật. Phạm nhân này luôn có thái độ bất mãn, hay gây gổ với các phạm nhân khác trong đội nhưng mấy năm trở lại đây đã chăm chỉ đi lao động chứ không tìm lý do trốn làm như trước nữa”, Thượng úy Lan Thảo cho biết.

Nữ quản giáo trẻ cho biết, khi tiếp nhận phạm nhân Thủy về đội, Lan Thảo đã đọc kỹ hồ sơ về phạm nhân này để tìm biện pháp uốn nắn phù hợp và kịp thời.  “Sau hai lần gọi lên nói chuyện riêng, tôi nhận thấy phạm nhân Thủy rất nhớ nhà và khao khát được tự do. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tâm lý con người bởi lúc vào trại cải tạo, Thủy mới hai mươi tuổi đời và ở trong này đã 10 năm rồi nên càng mong muốn được trở về sớm”, Lan Thảo nhắc đến phạm nhân do mình phụ trách.

Qua trò chuyện, biết Thủy rất nhớ và mong tin mẹ nên nữ quản giáo đã phân tích để phạm nhân này nhận thức được sự thua thiệt khi vi phạm nội quy như: Vì vi phạm nên không được gọi điện về nhà, không được xét giảm án. Lan Thảo hứa sẽ giúp Thủy sớm nhận được thông tin về mẹ và sự khơi gợi của cô đã khiến nữ phạm nhân này sau 10 năm sống bất cần trong trại cải tạo nhận thức được trách nhiệm mà mình phải thi hành. Mới đây, qua sự giúp đỡ của quản giáo Lan Thảo, phạm nhân Thủy đã nhận được thư của mẹ gửi vào.

Còn phạm nhân Cao Thị Hương lại tiến bộ đến không ngờ. Là phạm nhân chịu án chung thân về ma túy, Hương từng nghĩ cuộc đời mình không còn gì để mất nên luôn nằm trong diện phạm nhân cá biệt của trại. Khi về đội do Lan Thảo phụ trách, biết phạm nhân này rất thương con nên nữ quản giáo đã nhiều lần khuyên nhủ và chính sự tâm tình của người cùng giới đã khiến Hương tỉnh ngộ. Từ một phạm nhân có thái độ chống đối, nhiều năm xếp loại hạnh kiểm kém và trung bình, Hương trở nên tiến bộ và hiện được Thượng úy Lan Thảo tín nhiệm cho làm đội trưởng, phụ trách đội lao động.

Lan Thảo cho rằng, việc mình là nữ cũng là một lợi thế trong quản giáo phạm nhân nữ và nhất là với những phạm nhân có thái độ bất mãn, tiêu cực và chống đối thì cán bộ cùng giới sẽ có thuận lợi nhất định trong công việc cảm hóa, giáo dục phạm nhân.

Dưới nắng chiều dần tắt, một ngày làm việc chuẩn bị kết thúc nhưng trong phòng làm việc, Lan Thảo vẫn chăm chú lắng nghe một nữ phạm nhân đang thổ lộ tâm tư mà không hề tỏ ra nóng vội dù biết vào giờ này hai đứa con nhỏ đang ngóng mẹ đón về. Lan Thảo cho biết, rất nhiều lần không thể về đón con như đã hẹn nhưng cô tin rằng sau này lớn lên các con sẽ hiểu và thông cảm cho công việc có tính đặc thù rất riêng này của người làm quản giáo.

Top