Huổi Lếch Cuông chìm trong 'bão ma túy'

11/12/2020 14:03

Trưởng bản Lò Văn Duyên chỉ căn nhà hoang rồi kể: Đó là nhà chị Lò Thị T, ngày đưa con thứ hai tròn 3 tuổi cũng là lúc T đi trại để trả nợ án ma túy. Bố mẹ chúng đã lầm đường, chẳng biết chúng có còn lạc lối…(?)

Những đứa trẻ trong “đại gia đình nghiện”

Từ thành phố Điện Biên Phủ, mất mấy chục phút đồng hồ, trên con đường trải nhựa thẳng tăm tắp tách đôi cánh đồng Mường Thanh chừng vài cây số là đến xã Thanh Hưng. Mùa này bà con vùng “lòng chảo” đang tập trung làm đất để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tiếng máy cày nổ toành toạch rền vang khắp cánh đồng.

Nhìn vào cuộc sống sinh hoạt thường ngày ai cũng nghĩ rằng ở đây có cuộc sống thanh bình. Nhưng cũng có người biết rằng, “thế giới ngầm” nơi này luôn “dậy sóng”.

Ngôi nhà của Lò Thị T bỏ hoang sau khi con của T vào nhà trẻ, T cũng phải đi trại để trả nợ án

Dân xã Thanh Hưng sống thành từng cụm bản, bố trí rải rác ở ven biên giới Việt - Lào. Khu đông dân cư nhất là trung tâm xã, cạnh thôn Hưng Thịnh. Nơi đây, mọi người vừa tạm nguôi ngoai câu chuyện rúng động cả nước về nữ sinh Cao Mỹ Duyên bị bắt cóc, hiếp dâm rồi sát hại. Mọi người cũng tạm quên đi chuyện buồn của bà Trần Thị Hiền (mẹ nữ sinh Cao Mỹ Duyên) khi liên quan đến chuyện bán mua ma túy cùng bản án chung thân với hành vi sai trái của mình.

Ông Lường Văn Tọ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng đã nhiều năm gắn bó với bà con dân bản nơi đây. Ông Tọ dường như thấu tỏ hoàn cảnh của mỗi gia đình. Tuy mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, song ông Tọ vẫn cám cảnh mãi về câu chuyện của gia đình chị Hồng, anh Ính.

“Nghĩ thì thấy thương bọn trẻ, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào cả. 3 cháu là con của anh chị Hồng - Ính khổ lắm ấy. Bố chết. Mẹ bị bắt vì án ma túy. Cứ tưởng được nương nhờ người thân, nhưng ông bà nội các cháu cũng mắc tệ nạn. Chú ruột duy nhất thì nghiện ngập rồi chết. 3 anh chị em thì bơ vơ, không biết bám víu vào ai. Chúng cứ như thế tồn tại kể từ khi đứa lớn mới tròn 9 tuổi”, ông Lường Văn Tọ kể.

“Hay như trường hợp của chị L.T.T và chồng là L.V.C cũng vậy. Cả 2 đi tù vì mua bán trái phép ma túy, lĩnh án 5 - 6 năm gì đó. Khi lĩnh án thì con mới tròn 3 tuổi. Bố mẹ đi tù thì lại gửi con sang chung sống với người bác họ”, ông Lường Văn Tọ nói thêm.

Bản Hồng Lếch Cuông, xã Thanh Hưng là bản “nóng bỏng” nhất về ma túy. Cả bản có 150 hộ gia đình thì gần 40 hộ có người liên quan đến ma túy. Trưởng bản Lò Văn Duyên là người biết rõ hoàn cảnh của từng hộ trong bản. Mỗi trường hợp được anh Duyên kể ra vanh vách như một chuyện hết sức bình thường.

“Vừa tháng trước ở bản cũng có người bị bắt. Đấy là chị L.T.L, bị Bộ đội Biên phòng bắt khi đang trên đường vận chuyển 50 nghìn viên ma túy tổng hợp. Chồng chị ấy thì đi trại trước đó rồi. Vừa rồi là vợ. Họ có 2 đứa con. Đứa lớn đang học lớp 11, còn đứa thứ 2 đang học lớp 8. Cũng chẳng biết sau này hai đứa sẽ thế nào nữa…!”, trưởng bản Lò Văn Duyên thở dài.

Mẹ sau song sắt có nghe tiếng khóc con thơ 

Thầy giáo Trần Văn Xuyên thăm hỏi, kiểm tra học sinh học bài

Hôm tôi đến đúng lúc bà con dân bản Huổi Lếch Cuông đang bỏ phiếu để bầu trưởng bản mới. Bà con tụ họp đông đủ ở nhà văn hóa bản từ rất sớm. Mỗi lúc giải lao, tiếng loa truyền thanh treo ở đầu hồi nhà văn hóa ra rả tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật.

Luật Phòng chống ma túy và Luật Biên giới cũng được tuyên truyền không ngớt. Người dân ở đây bảo, hầu như tuần nào xã cũng mở các chương trình truyền thanh như thế. Dân có nghe, có biết. Nhưng để thực hiện tốt thì quả thực là rất khó với tất cả nhân dân.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc phiện, ma túy. Tuyên truyền Luật Phòng chống ma túy rất rõ, thường thì gắn các buổi họp dân để lồng ghép tuyên truyền với mong muốn bà con đều hiểu, biết rồi tránh xa. Hàng năm đều tổ chức ký cam kết không vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Cơ bản là 100% các hộ đều cam kết không vi phạm. Ký thì ký, nhưng nhiều hộ người ta cũng có chịu thực hiện đâu”, ông Lường Văn Tọ nói.

Anh Lò Văn Duyên tuy rất bận rộn với công tác tổ chức bầu cử trưởng bản song vẫn gắng tranh thủ thời gian để tâm sự và chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội của bản. “Đó là nhà chị Lò Thị T. Bỏ chồng đã lâu, chị T vừa đưa con thứ hai tròn 3 tuổi đi nhập trường… rồi mẹ cũng đi trại để trả nợ án ma túy. Khi chị ấy bị bắt về tội vận chuyển ma túy thì cháu bé vẫn đang trong kỳ ăn sữa mẹ.

Nhà nước có chính sách khoan hồng, ưu tiên cho trường hợp nuôi con nhỏ nên chị ấy chưa bị bắt đi tù. Giờ phải đi trả nợ án. Đau xót lắm nhưng biết làm thế nào được. Chúng còn nhỏ quá. Bố mẹ chúng đã lầm đường, chẳng biết chúng có còn lạc lối…”, anh Duyên nói.

Lò Thị T có 2 đứa con nhỏ, đứa lớn đang học tiểu học, còn đứa thứ 2 mới vào học ở trường mầm non. Lò Thị T đi trại, 2 đứa con lại gửi sang nhờ ông bà ngoại dung dưỡng. Những ngày đầu xa mẹ, mỗi tối đến, cháu bé thứ 2 cứ nháo nhác khóc tìm gọi mẹ đến khản giọng. Ông bà ngoại có dỗ dành thế nào cháu cũng không nghe. Chẳng biết phía bên kia song cửa sắt, mẹ của bé có nghĩ đến những cảnh tượng quặn lòng như vậy. Bởi nếu không nghĩ ra được lỗi lầm thì sẽ mãi đi theo một cái vòng luẩn quẩn.

Bởi như ông Lường Văn Tọ đã nói: “Nghĩ mà buồn lắm cán bộ ạ. Nhiều trường hợp cứ vào trại vì buôn bán, vận chuyển ma túy. Hết án rồi thì lại ra để đi làm việc, kiếm tiền để trả khoản nợ đã vay để mua thuốc về bán rồi bị bắt đợt trước. Túng quẫn quá, họ lại đi buôn, đi bán, đi vận chuyển thuê… thế rồi lại bị bắt, rồi lại đi trại”.

“Những trường hợp không nơi nương tựa thì chúng tôi đưa vào danh sách trẻ mồ côi. Vừa rồi chúng tôi cũng làm đơn xin cho 4 cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh và cả Làng trẻ em SOS để các cháu có điều kiện ăn, học đàng hoàng. Ở những đợt trước, nhiều cháu cũng học hành xong lấy vợ, gả chồng, có công ăn việc làm tử tế chúng tôi cũng thấy phấn khởi. Nói thật chứ, tôi thấy cảnh tù tội, chết chóc vì ma túy quá nhiều rồi, cứ cám cảnh mãi. Ngoài tuyên truyền, nếu không có sự cưu mang của Nhà nước, của các tổ chức xã hội thì cũng chẳng biết tương lai các cháu sẽ đi đến đâu”, ông Tọ bộc bạch.

1 thìa cơm 1 thìa canh = tương lai

Trường Tiểu học Thanh Hưng có 523 học sinh đang theo học. Hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản, đội sản xuất trong xã. Trong số những học sinh này, không ít cháu thuộc diện đặc biệt. Các em đặc biệt ở chỗ bố, mẹ, hoặc cả bố và mẹ đi trại vì liên quan đến án ma túy.

Suất ăn của học sinh bán trú được thống nhất san sẻ cho học sinh “đặc biệt” trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh

“Có những cháu khi đến học chẳng có gì để ăn. Bố mẹ bỏ nhau hoặc đi tù, phải ở nhờ nhà bà nội, ngoại hoặc cô, dì, chú, bác. Họ nói luôn với nhà trường rằng: “Nhà chẳng có gì đóng góp cho các cháu ăn tại trường. Các thầy cô không cho ăn thì cũng chịu”.

Vì thế, tôi cũng thẳng thắn chia sẻ, xin ý kiến của các thầy cô chủ nhiệm và cả học sinh rằng: “Thôi thì hoàn cảnh các cháu như vậy. Để giữ học sinh, chi bằng mỗi bữa, mỗi học sinh có suất ăn ở trường san sẻ 1 thìa cơm, 1 thìa canh cho các bạn đó.

Khoảng 200 học sinh bán trú, mỗi cháu bớt đi 1 thìa cơm, 1 thìa canh là các bạn có bữa cơm ngon lành”. Phụ huynh và giáo viên nhà trường rất đồng tình với quan điểm đó. Thế là việc học của những cháu khó khăn được duy trì”, thầy Trần Văn Xuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Hưng chia sẻ.

Trong số những học sinh đặc biệt của trường, thầy Xuyên ấn tượng với hoàn cảnh của L.V.S nhất. S sinh ra và lớn lên trong trung tâm giáo dưỡng mới trở về Thanh Hưng nhập học.

“Khi mẹ bạn ấy bị bắt và chịu hình phạt thì vẫn đang mang thai, rồi sinh ra bạn S trong trung tâm giáo dưỡng. Bạn S được học tập tại đó. Mới năm ngoái gia đình xin về đây nhập học và ở nhờ nhà bác họ. Sau đó thì mẹ bạn ấy đi đâu cũng chẳng ai rõ. Sợ bạn ấy đứt học nên thầy trò nhà trường lại bàn nhau, thôi thì san sẻ khẩu phần ăn để bạn ấy có suất ăn ở trường rồi động viên bạn học hành đầy đủ. Được lúc nào hay lúc đó, chúng tôi động viên nhau cùng đùm bọc, cưu mang cháu”, thầy Xuyên kể.

Biết là các em vô tội. Các em cũng chỉ là nạn nhân của “cơn bão” ma túy, là hệ lụy của tội ác mà cha mẹ các em mang đến, song thầy cô không vì thế mà hắt hủi, kỳ thị. Trái lại, họ đã và đang dành tình thương yêu vô hạn cho những đứa trẻ vô tội nơi đây. Ngày lại ngày, năm qua năm, họ vẫn miệt mài rèn giũa qua mỗi trang giáo án. Để các em được trưởng thành hơn, không đi vào “vết xe đổ” của cha, của ông các em nữa.

Mỗi dịp đầu năm học, các thầy cô ở Trường Tiểu học Thanh Hưng lại đôn đáo khắp nơi kêu gọi sự chung tay của các tổ chức thiện nguyện để xin hỗ trợ. Người thì xin cái bút, quyển vở, người xin lọ mực, hộp phấn… cho những học sinh không có khả năng sắm đồ dùng học tập. Những lúc chẳng xin được ai thì thầy trò nhà trường lại tự nguyện quyên góp, ủng hộ.

Năm tháng cứ qua đi, thầy trò Trường Tiểu học Thanh Hưng vẫn luôn đau đáu nỗi lo đứt học của các bạn trò nghèo. Họ vẫn hằng ngày “vun, xới” để tương lai con trẻ ở miền biên viễn xa xôi tươi sáng hơn.

Top